Nâng cao vai trò phụ nữ ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 23/11/2010
Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng và người phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Việc nâng cao vai trò của nữ giới đối với hiện trạng này đang là mối quan tâm lớn.

Bà Datin Hih Masni Hj Mohd Ali – Cố vấn ACWO – Phó Chủ tịch thứ Nhất của Hội đồng phụ nữ Brunei cho rằng, hiện nay cả thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường, điển hình như Pakistan đã phải gánh chịu những mất mát lớn do lũ lụt gây ra. Từ khắp các châu lục, thảm hoạ thiên tai đang đe doạ đến tính mạng của hàng vạn con người đang sinh sống trên địa cầu. Gần đây nhất ở châu Âu là Hungari với thảm hoạ bùn đỏ. Đặc biệt là Việt Nam với trận lũ lụt đang diễn ra ở miền Trung tạo nên những thảm cảnh tang thương cho biết bao nhiêu người dân đang sinh sống ở khu vực này.

Với những diễn biến thời tiết trong thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ấm lên của trái đất, kéo theo sự bất thường của thời tiết, bệnh tật mới xuất hiện, bệnh tật cũ tái phát.

Theo các chuyên gia, người nghèo là tầng lớp bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu mà hơn 70% người nghèo chính là phụ nữ. Gánh nặng của thiên tai đang đè lên đôi vai gầy của họ.

Trước những biến đổi của khí hậu đặt ra nhiều vấn đề phải làm gì để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ chính quyền lợi của người phụ nữ. Bởi vậy giải pháp bảo vệ môi trường, giảm tình trạng biến đổi khí hậu được lãnh đạo của giới nữ ASEAN rất quan tâm tại Đại hội Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN đã diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10/2010.

Bà Ali cho biết, ở Brunei để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra, Chính phủ thực hiện khuyến khích trồng rừng ven biển. Trồng rừng vừa thực hiện ngăn mặn xâm thực vửa tăng khả năng hấp thụ khí CO2. Bà Ali nói rằng, Brunei luôn ý thức  việc bảo vệ rừng - lá phổi của tự nhiên như bảo vệ một phần quan trọng trong cơ thể. Bởi vậy, nước này đã phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều dự án bảo vệ rừng, không cho phá rừng.

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, bởi vậy, Chính phủ Brunei tin rằng, việc giáo dục bảo vệ rừng ngay từ đầu đối với lứa tuổi này sẽ giúp họ ý thức được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của con người.

Còn bà Dewi Motik Pramono – Chủ tịch Hội đồng Quốc gia các tổ chức phụ nữ Indonesia nêu giải pháp, phụ nữ cần phải có những hành động đầu tiên để mọi người học tập và làm theo. Bà Pramono cho biết, Indonesia đang thực hiện 3 chiến lược: “Giảm thiểu chất thải cacbon, tái sử dụng và tái chế nguyên vật liệu” nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Chiến lược này đã hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bãi, đặc biệt ý thức chi tiêu cho cuộc sống cũng tốt hơn. Vấn đề này được tuyên truyền và thực hiện khá tốt ở tầng lớp phụ nữ Indonesia, đặc biệt là những người phụ nữ làm nội trợ. Bà Pramono cho ví dụ, bằng việc tuyên truyền về 3 chiến lược trong giới nữ ở Indonesia, đã khiến họ có ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ở Indonesia đang khuyến khích mọi công dân thực hiện chính sách “ăn uống thông minh”. Ăn uống thông minh là cách để hạn chế việc tiêu pha bừa bãi, vừa tiết kiệm được chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường sống vì chính thức ăn thừa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và phát sinh ra bệnh tật.

Bà Monthip Sriratana – Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Phụ nữ Thái Lan đánh giá biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ, trong khi đó chính họ là nguồn lực quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Bởi vậy theo bà Srirtana, điều chúng ta cần làm hiện nay là nâng cao vai trò của người phụ nữ, để họ phát huy được khả năng trong việc ứng phó lại với thiên tai nguy hại mà họ phải gánh chịu một cách nặng nề nhất.

Để việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hiệu quả, công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng. Bà Thilla Chelliah – thành viên của Uỷ ban Môi trường Malaysia cho rằng, trong tuyên truyền ta cần đem ra hình mẫu tốt về môi trường để cùng học tập rút kinh nghiệm. Đồng thời cần giới thiệu đến từng người những hành vi, cách ứng xử đối với thiên nhiên. Phải có ý chí để ban hành các quy định, quy tắc về ứng xử với môi trường qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân trong từng quốc gia nói riêng và trong khu vực nói chung.

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề bảo vệ môi trường đã được thực hiện và có nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong chị em phụ nữ.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện nay, với sự phát động của Hội, Việt Nam đã có nhiều chương trình, dự án xây dựng lại nhà ở cho chị em. Hội phát động phong trào “5 không, 3 sạch” đến tận các cụm thôn xã xa xôi nhất. Hội cũng thực hiện phối hợp với Bộ TNMT để xây dựng nên chiến lược hiệu quả trong vấn đề phòng chống biến đổi khí hậu đối với giới nữ….

Là lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác bảo vệ môi trường nói riêng, việc nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp cho giới nữ có khả năng thích ứng nhanh hơn với tình trạng môi trường trên cũng như giúp cho công tác tuyên truyền được lan toả rộng hơn./.

Việt Đức

 

Nguồn: VOV