Bước đầu xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 26/11/2010
Một trong những nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là tiến hành quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở các cấp độ khác nhau.

Để hiểu rõ hơn về những bước đầu nghiên cứu quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trên cơ sở quy định của Luật ĐDSH năm 2008 cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có dịp trao đổi với PGS. Phạm Bình Quyền - Viện trưởng Viện Môi trường và phát triển bền vững, Tổng thư ký Hội bảo vệ tài nguyên môi trường Việt Nam về vấn đề này.

Ông có thể cho biết lộ trình xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam hiện nay?

Theo Luật đa dạng sinh học năm 2008, năm nay chúng ta phải hoàn thành Khung quy hoạch tổng thể. So với thế giới thì điều này chưa có tiền lệ. Một số nước khác đã thực hiện nhưng không phải quy hoạch ĐDSH mà lồng ghép vào các quy hoạch khác, ví dụ như quy hoạch bảo tồn rừng. Vì vậy, rất ít nước có tên gọi là quy hoạch ĐDSH. Luật ĐDSH cũng không phải nhiều nước có, thông thường vấn đề này được lồng ghép vào trong 1 luật khác, chẳng hạn như Luật Bảo vệ môi trường, từ Luật Bảo vệ môi trường mới sinh ra Luật ĐDSH, trong đó quy định cụ thể về công tác xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Việt Nam để tách biệt là thể hiện sự quan tâm đến ĐDSH.

Việc thực hiện quy hoạch ĐDSH hiện nay vướng nhiều thứ, đặc biệt liên quan đến vấn đề về Luật sử dụng đất. Ngoài ra cũng liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý. Hiện nay, chủ yếu là Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT được giao chức năng quản lý nhưng thực chất về đội ngũ rất thiếu. Lộ trình trong năm nay Việt Nam sẽ cố gắng xây dựng khung quy hoạch tổng thể về bảo tồn ĐDSH.

Vậy việc xây dựng Luật đa dạng sinh học của các nước trên thế giới như thế nào, thưa ông?

Một số nước có luật này, nhưng tên gọi có thể gần như vậy chứ không giống hoàn toàn. Ví dụ như Hungari đã xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn thiên nhiên quốc gia trong khuôn khổ của Chương trình bảo vệ môi trường quốc gia. Quy hoạch tổng thể này bao gồm: xác định ranh giới các khu vực tự nhiên, xác định các quá trình và hoạt động quan trọng đối với bảo tồn ĐDSH, các yêu cầu chung, các định hướng trung và dài hạn để bảo tồn các khu vực và giá trị thiên nhiên cần được bảo vệ, thành lập các khu bảo tồn mới…

Còn theo Luật ĐDSH Nam Phi, quy hoạch ĐDSH bao gồm xây dựng Khung ĐDSH quốc gia, xây dựng Kế hoạch vùng sinh học và xây dựng các Kế hoạch quản lý ĐDSH. Các tiêu chí này phải được xây dựng và thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ để tránh trùng lặp và xung đột.

Ở Pêru thì Chiến lược quốc gia về ĐDSH chính là công cụ chủ yếu để quy hoạch bảo tồn ĐDSH nhằm thực hiện các quy định của Luật Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH và các mục tiêu của Công ước ĐDSH. Các kết quả của chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động sẽ được lồng ghép với các kế hoạch và chính sách ưu tiên của quốc gia.

Hiện nay vấn đề phát triển kinh tế biển đảo đang rất được quan tâm. Việt Nam đã tính đến thực hiện các khu bảo tồn biển như thế nào?

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy định 46 khu bảo tồn biển có đầy đủ tên, tuổi, vị trí nằm chủ yếu dọc theo bờ biển Việt Nam và các quần đảo, đảo. Quy hoạch là như vậy, nhưng để làm được phải đòi hỏi sự hợp tác trong nước và cả quốc tế.

Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý khu bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam?

Theo tôi công tác quản lý các khu bảo tồn ĐDSH hiện nay còn thiếu và yếu về nhiều mặt. Đầu tiên là về mặt thể chế, pháp luật hiện nay chưa hoàn thiện, sự thống nhất về quản lý nhà nước chưa có. Bên cạnh đó, quy mô, diện tích của nhiều khu bảo tồn quá nhỏ bé, không đáp ứng được nhu cầu của động vật. Chẳng hạn như hổ, nhu cầu đòi hỏi một ngày đêm hoạt động khoảng 100km, voi từ 50-70km trong khi ở các khu bảo tồn ĐDSH diện tích thường nhỏ hơn rất nhiều so với chuẩn nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của động vật nên các loài này phải ra ngoài hoạt động.

Nhìn chung, công tác bảo tồn ĐDSH của Việt Nam cũng đã nỗ lực rất cao, thời kỳ đầu làm rất tốt, nhất là từ năm 2000 trở về trước. Nhưng từ sau năm 2000 thì bắt đầu xuống cấp do sự phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường tự nhiên cũng như ĐDSH. Hiện nay, sự phát triển của các lĩnh vực như thủy điện, trồng cao su, xây dựng, cầu đường… nếu không quản lý tốt cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến ĐDSH./.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: VEA.GOV.VN/VEN