Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, tác động trực tiếp của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang là những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc lễ hội các dân tộc thiểu số.
“Sự chi phối của yếu tố "thương mại", yếu tố "lợi nhuận" trong tổ chức lễ hội đang là một con sóng ngầm đe dọa tới việc bảo tồn giá trị văn hóa cổ truyền và bản sắc dân tộc trong lễ hội của đồng bào các dân tộc mà các cơ quan có trách nhiệm cần phải quan tâm…” - ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cảnh báo tại Hội nghị "Đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy Lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số" diễn ra hôm 24/11 tại Hà Nội.
Những con sóng ngầm…
Lễ hội dân gian các dân tộc là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa - lịch sử phong phú của từng dân tộc, là kho tàng di sản văn hóa vô giá, tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hóa Việt Nam.
Theo ông Hoàng Đức Hậu, thời gian qua, lễ hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được quan tâm khôi phục nhưng vẫn chưa được khai thác nhiều do thất truyền bởi yếu tố thời gian và đội ngũ nghệ nhân dân gian ngày càng mai một.
Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, tác động trực tiếp của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang là những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc lễ hội các DTTS.
Ông Trần Hoàng Bé, Giám đốc Sở VH, TT&DL Trà Vinh cho rằng: Lễ hội dân gian của đồng bào Khmer Trà Vinh trong những năm qua được cải tiến theo chiều hướng tích cực. Song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn do việc tổ chức chưa chặt chẽ, chưa có sự thống nhất trong việc bảo tồn cái cũ tốt đẹp và xây dựng cái mới phù hợp với tập quán, tâm lý của người dân tộc ở từng địa phương. Nạn xem bói, tướng số, cướp giật, móc túi vẫn xảy ra ở nhiều lễ hội trong tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở VH, TT&DL Hà Giang - nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống cũng nêu thực tế, hiện nay các lễ hội dân gian mang tính đặc thù truyền thống đang dần mất đi, thay vào đó là các yếu tố hiện đại, pha tạp. Nhân dân các dân tộc ở Hà Giang cũng muốn khôi phục lại một số lễ hội truyền thống nhưng còn lúng túng trong việc khôi phục như thế nào cho hợp với cũ - mới, hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bảo tồn và phát triển lễ hội đúng hướng
TS Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, thời gian qua, việc khai thác các lễ hội văn hóa của các DTTS để phát triển du lịch còn hạn chế do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp gây phản cảm cho khách du lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa; thậm chí bị lợi dụng cho mục đích mê tín dị đoan đã gây bức xúc trong dư luận…
“Thời gian tới, Bộ cần nghiên cứu phối hợp với các UBND cấp tỉnh ban hành mô hình tổ chức, quản lý các lễ hội; chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý lễ hội. Cần minh bạch hóa các nguồn thu liên quan đến lễ hội để tránh tình trạng lạm dụng, tham ô, tham nhũng, lãng phí…”- TS Hoàng Thị Điệp kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Bé cũng đề xuất: Cần tổ chức rà soát, thống kê các lễ hội một cách đầy đủ, có chính sách đầu tư thỏa đáng cho các chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm trong hoạt động lễ hội hàng năm để ngăn chặn các hoạt động mê tín, dị đoan và các dịch vụ văn hóa, giải trí không lành mạnh trong lễ hội như các trò chơi mang tính cờ bạc, chọi gà, cá cược…
Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra một số giải pháp chính trong thời gian tới là: Cần có sự nghiên cứu, chọn lọc, phục dựng hoặc hướng dẫn việc tổ chức lễ hội một cách khoa học, thể hiện đúng đặc điểm, tính chất, trình tự tiến hành lễ hội. Loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu, không tiêu biểu cho bản sắc dân tộc mà không ảnh hưởng đến nội dung lễ hội.
Các hoạt động dịch vụ văn hóa phục vụ lễ hội phải phù hợp với môi trường văn hóa, ý nghĩa của lễ hội, tránh việc thương mại hóa tràn lan, biến lễ hội thành hội chợ. Trên cơ sở khảo sát, thống kê và thực tế quản lý, tổ chức lễ hội, ngành VH, TT & DL các tỉnh, thành chủ động quy hoạch tổ chức bảo tồn và phát triển lễ hội đúng hướng, tránh tổ chức tràn lan, lãng phí, kém hiệu quả./.