Khánh Hòa: Di dời Bảo tàng để xây khách sạn

Cập nhật: 30/11/2010
Tọa lạc trong khuôn viên số 16 Trần Phú, một địa điểm đắc địa nhất nhì của thành phố biển Nha Trang, và đã trở thành một địa chỉ thu hút hàng vạn lượt du khách tới tham quan, nghiên cứu, nhưng nay Bảo tàng Khánh Hòa có thể phải dời sang một vị trí khác để nhường khu đất này cho việc xây dựng khách sạn.

Tại cuộc họp báo ngày 23.11 vừa qua, trả lời câu hỏi của P.V Báo Văn Hóa về tình trạng của Bảo tàng Khánh Hòa  trong sự bủa vây của các khối nhà hàng, khách sạn cao tầng  đã và đang được  xây dựng với tốc độ chóng mặt..., ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện tại, tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan tìm vị trí mới có diện tích rộng hơn để xây dựng mới Bảo tàng Khánh Hòa nhằm phù hợp với công năng trưng bày và khai thác của một bảo tàng tổng hợp. Như vậy, tuy chưa đưa ra lời khẳng định, nhưng thông tin từ lịch làm việc mới đây của UBND tỉnh  về việc “di dời” Bảo tàng khỏi vị trí hiện tại để nhường chỗ cho một dự án xây dựng khách sạn cao cấp do Công ty cổ phần Lạc Hồng  đảm nhận đã gần như được xác nhận.

Để rõ hơn thông tin về vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa và được ông xác nhận rằng, tỉnh đang có chủ trương tìm địa điểm mới xây dựng Bảo tàng Khánh Hòa.

 

Ông Tuyến cho biết thêm, diện tích hiện tại của bảo tàng với 2.400m2 là quá chật hẹp so với nhu cầu xây dựng bảo tàng. Hơn nữa, lại lọt vào không gian những khách sạn  cao tầng nên không phù hợp... Vì vậy, Sở VHTTDL đã đề xuất với tỉnh phương án di chuyển về vị trí mới có diện tích rộng hơn. Đó là  khu đồi nơi đặt trạm quan trắc khí tượng, đối diện với Hội quán vịnh Nha Trang, trong khuôn viên danh thắng quốc gia Hòn Chồng – Hòn Đỏ. 

Cũng theo ông Tuyến, vị trí này hiện do một đơn vị ở Trung ương quản lý, chưa biết có thu hồi được không. Nếu “thu hồi” được thì với diện tích khoảng 6.000m2  hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xây dựng bảo tàng. Và đặc biệt, khi được xây dựng ngay tại vị trí danh thắng, Bảo tàng tỉnh sẽ là một phần của cụm di tích, danh thắng, kết hợp với cảnh quan, công trình danh thắng... rất thuận tiện  để phát huy được hiệu quả quảng bá, giới thiệu văn hóa, truyền thống cho  du khách. Còn vị trí hiện tại thì không đảm bảo.

Ông Nguyễn Chí Hướng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa  cho biết, hiện tại Bảo tàng tỉnh vẫn đang được UBND tỉnh “rót” hàng trăm triệu đồng để tu sửa, chống dột và chuẩn bị tổ chức trưng bày dịp  kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội nhân dân VN (22.12) và Tết... thì vẫn có những cuộc họp giữa các cơ quan chức năng và đơn vị đầu tư “bàn” về việc hoán đổi vị trí xây dựng bảo tàng. Những cuộc họp bàn này anh em cán bộ quản lý Bảo tàng không được tham dự. Tuy nhiên cũng phải nói, diện tích của Bảo tàng hiện nay là chật hẹp, không đáp ứng yêu cầu cần có của một không gian sinh hoạt cộng đồng... Chúng tôi cũng mong được di chuyển  về một vị trí rộng hơn, đẹp hơn để có thể xây dựng một bảo tàng phát huy được công năng trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa, truyền thống, kết hợp với du lịch. Chấm dứt cảnh tạm bợ chờ đợi trong tranh cãi.

Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa nguyên là Bảo tàng tỉnh Phú Khánh, được thành lập năm 1979. Công trình Bảo tàng tỉnh hiện nay vốn trước đây là một ngôi nhà làm việc và nhà ở của Sở Giao thông công chánh, xây dựng vào đầu thế kỷ XX theo kiến trúc của Pháp. Hơn 30 năm sau giải phóng, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã cố gắng sắp xếp để có thể đáp ứng các tiêu chí phù hợp với công năng trưng bày và nghiên cứu khoa học của một  bảo tàng.

Nếu tỉnh chấp thuận phương án xây dựng công trình Bảo tàng Khánh Hòa trong vùng bảo vệ di tích danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ thì vô hình trung lại vi phạm Luật Di sản văn hóa. Bởi Luật này quy định, khu vực I phải bảo vệ nguyên trạng, khu vực II nếu có xây dựng thì phải xây dựng công trình nhằm tôn vinh giá trị di tích. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, trong chừng mực nào đó không phù hợp với không gian, cảnh quan di tích, danh thắng nơi đây. Đó là chưa nói đến việc phải xin ý kiến Bộ VHTTDL. (Ý kiến của một cán bộ ngành văn hóa Khánh Hòa)

Lê Bá Dương

 

Nguồn: Báo Văn hóa