Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ: Hướng đến mô hình phát triển bền vững

Cập nhật: 30/11/2010
Ngày 27/11, UBND TPHCM và UB Quốc gia Chương trình “Con người và sinh quyển” (MAB Việt Nam) đã tổ chức hội thảo quốc gia đánh giá hoạt động sau 10 năm khu vực Cần Giờ được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín.

Kỳ tích và tự hào

 

Theo điều tra của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt, giai đoạn 1964-1970, rừng Sác trù phú (rừng ngập mặn Cần Giờ (RNMCG) hiện nay) gần như bị hủy diệt hoàn toàn do hàng ngàn tấn bom và hàng triệu lít thuốc diệt cỏ phát quang. Những loài cây đặc trưng của vùng đất này như đước, bần, vẹt… đã không thể sống sót; chỉ có cây mắm và dừa nước chống chịu và tái sinh được.

Sau khi giải phóng miền Nam, lãnh đạo TPHCM đã quyết tâm khôi phục lại hệ sinh thái RNMCG với mục tiêu chính tái tạo mảng xanh và chức năng phòng hộ sinh thái, cải thiện khí hậu cho TPHCM. Khi đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam phải cần ít nhất nửa thế kỷ mới khôi phục được rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TPHCM cùng với những giải pháp kỹ thuật phù hợp của các cơ quan chuyên môn, nỗ lực của người dân sở tại, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm (từ năm 1978), RNMCG đã trở thành “lá phổi xanh” của TPHCM và các địa phương lân cận. Đến năm 1998, diện tích RNMCG đã lên đến 22.579,4 ha (cây đước chiếm đa số), đồng thời khoanh nuôi bảo vệ để tái sinh rừng tự nhiên khoảng 100.000 ha. Nhiều loài động vật hoang dã cũng xuất hiện ở vùng rừng này như khỉ, rái cá, trăn, heo rừng, cá sấu, kỳ đà, các loại chim…

Với những cải thiện vượt bậc trong thời gian ngắn, năm 1991 RNMCG đã được Chính phủ công nhận là “Rừng phòng hộ môi trường”. Tháng 1-2000, RNMCG đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) rừng ngập mặn của thế giới. Đây là thành quả rất đáng tự hào của nước ta.

Từ khu DTSQ đầu tiên của Việt Nam này, nhiều khu DTSQ khác đã nối bước ra đời là Cát Tiên, châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù lao Chàm - Hội An và Mũi Cà Mau. Đến nay, sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận, quy mô khu DTSQ RNMCG vẫn được duy trì ở diện tích 75.740 ha, trong đó có trên 33.000 ha rừng ngập mặn đang được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt.

Trong khu DTSQ này có tới 182 loài thực vật bậc cao, trong đó có 37 loài ngập mặn. Có 9 loài động vật lưỡng cư, 31 loài bò sát, 19 loài thú và 145 loài chim. Đặc biệt, có 2 loài thực vật và 13 loài động vật có tên trong sách đỏ của Việt Nam.

 

Đổi mới để “sống mãi”

 

Đến nay RNMCG không chỉ cung cấp các dịch vụ sinh thái trong đó có giá trị giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao mà còn mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho TPHCM.

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái nhân văn khu DTSQ RNMCG đang tăng dần một cách bền vững theo thời gian. Năm 1999, tổng giá trị nói trên đạt gần 3.000 tỷ đồng, năm 2005 là 6.500 tỷ đồng…

Không những vậy, theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký MAB Việt Nam, hình ảnh Cần Giờ đã đi vào tiềm thức của cộng đồng các khu DTSQ thế giới, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao vị thế và niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng thách thức lớn nhất đối với RNMCG nói riêng và khu DTSQ RNMCG nói chung là làm sao duy trì được sức bền hệ sinh thái này trước những tác động của tự nhiên, bao gồm nhiệt độ khí quyển tăng cao, lượng mưa giảm, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, sâu bệnh…

Thách thức thứ hai cũng không kém quan trọng là sức ép từ sự phát triển kinh tế với việc mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ trong khi hiệu quả bảo tồn và ý thức trách nhiệm còn yếu.

Từ đó, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí đề nghị cần có những nghiên cứu khoa học bài bản về sinh học bảo tồn để làm cơ sở cho phát triển rừng và duy trì bền vững các dịch vụ hệ sinh thái mà rừng ngập mặn mang lại. Bên cạnh đó, khu DTSQ RNMCG cần phát triển các gói sản phẩm kinh tế thân thiện với môi trường, áp dụng chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

Còn TS Viên Ngọc Nam (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) thì mạnh dạn đề xuất việc sản xuất ở khu DTSQ RNMCG nên dựa trên quan điểm tổng hợp và đa dạng. Nghĩa là nên cho phép khai thác rừng già để trồng lại nhằm trẻ hóa và gia tăng hiệu quả về nhiều mặt; đồng thời có thể nuôi tôm trong rừng ngập mặn theo cách thức nuôi sinh thái và cấp chứng chỉ cho thành phẩm. Khi cuộc sống của người dân được nâng cao, vấn đề bảo tồn và du lịch cũng được cải thiện hơn.

Về khía cạnh du lịch, ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký UB Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng khu DTSQ RNMCG có rất nhiều tiềm năng phù hợp nên cần sớm tiếp thu và áp dụng những mô hình du lịch sinh thái “thời thượng” trên thế giới. Cùng với đó, TPHCM nên có chiến lược xây dựng khu DTSQ RNMCG thành một “đặc sản” với thương hiệu độc nhất trên trường quốc tế.

 

Nguồn: sggp.org.vn