Giờ đây đi đến đâu trong phạm vi 19 xã của huyện vùng cao núi đá Đồng Văn (Hà Giang), người ta đều bắt gặp những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng mới phủ xanh các triền núi đá, không còn thấy đá xám trơ ra giữa trời.
Đây là kết quả vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc trong huyện thực hiện công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng những năm gần đây.
Nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Đồng Văn có diện tích tự nhiên hơn 46.000ha, trong đó có 2/3 diện tích là núi đá. Đồng Văn là huyện có diện tích rừng và đất rừng gần 24.000ha (chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên).
Rừng thông tại dinh họ Vương
Nhiều năm trước, công tác trồng và bảo vệ rừng ít được quan tâm, tình trạng bà con các dân tộc tự ý chặt cây trên các triền núi đá để lấy gỗ làm nhà, làm vật dụng, làm chất đốt và tập quán đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy vẫn duy trì ở nhiều vùng người dân tộc thiểu số… đã dẫn đến rừng bị suy kiệt, nhất là rừng mọc trên các triền núi đá rất khó tái sinh và diện tích che phủ rừng của huyện chỉ còn khoảng 17% (năm 2005).
Để ngăn chặn tình trạng suy giảm diện tích rừng ngày càng nghiêm trọng, từ năm 2005, huyện Đồng Văn đã xây dựng chương trình bảo vệ và phát triển rừng.
Huyện đã triển khai nhanh việc giao đất-giao rừng, trong đó đã đổi mới và cải cách thủ tục giao đất, giao rừng hợp với điều kiện từng địa phương, từng dân tộc, xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng…
Sau gần 5 năm, diện tích che phủ rừng của huyện đã từ 17% nâng lên 34%. Hiện nay, toàn huyện Đồng Văn có thêm 3.000ha rừng trồng mới, 100% diện tích rừng của huyện đã được gần 9.000 hộ dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ với gần 18.000 ha…
Rừng Đồng Văn đang xanh trở lại, tạo nên cảnh quan đẹp khi cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu./.
Văn Phát