Kiếm thịt thú rừng ở Sài Gòn không khó

Cập nhật: 30/11/2010
TP.HCM không có nhiều động vật hoang dã (ĐVHD) sinh sống nhưng lại là trung tâm tiêu thụ ĐVHD lớn trong vùng. Hầu hết chúng được khai thác, vận chuyển trái phép từ nhiều nơi về đây tiêu thụ, góp phần làm cho một số loài có nguy cơ biến mất.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ĐVHD ở Việt Nam rất phong phú với gần 300 loài thú, 826 loài chim, 180 loài bò sát và hàng ngàn loài động vật không xương sống khác. Tuy vậy, theo sách đỏ Việt Nam công bố năm 2007, động thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa tuyệt chủng lên đến 882 loài, tăng 167 loài so với lần công bố trước đó (1992). Điều đáng tiếc là có 9 loài ĐVHD trong sách đỏ năm 1992 dự báo “rất nguy cấp” nay tuyệt chủng như: tê giác hai sừng, bò xám, cầy rái cá, heo vòi... Các loài này chỉ còn tồn tại ở tình trạng nuôi dưỡng.

Các nhà khoa học cho rằng, nhu cầu y dược truyền thống và tập quán chuộng thịt rừng của người dân chính là nguyên nhân đưa chúng đến chỗ tuyệt chủng. Tài nguyên thiên nhiên có hạn, trong khi nhu cầu con người ngày càng tăng nhất là ở những thành phố lớn. Nhiều quán nhậu, nhà hàng trong thực đơn của mình không hề thiếu món thịt rừng. Còn ở các chợ chim, chợ thú trên đường Lê Hồng Phong (Q.10), Thuận Kiều (Q.5)... những ai có đến đây mới thấy hết được số lượng, chủng loài phong phú đến chừng nào. Các loài chim, thú quý như phượng hoàng, họa mi, sơn ca, vọc, khỉ vượn, trăn, rắn... được chủ vựa bày bán công khai. Tại chợ thú Lê Hồng Phong, một tay buôn thú rừng chuyên nghiệp giới thiệu tên H., từ Tây Ninh xuống TP.HCM tiết lộ: Cứ khoảng 5 ngày anh ta áp tải một chuyến hàng về đây, chim, thú được anh cho “quá cảnh” trên những xe đò, xe tải. Chẳng may gặp kiểm tra, anh cho xuống xe đạp ung dung chở qua trạm, chẳng ai xét hỏi. Bình quân mỗi chuyến kiếm 2 - 3 triệu đồng. Chuyến nào gom được vài con chim, thú quý hoặc có người đặt “hàng hiếm” thì coi như trúng lớn. Anh ta còn cho biết, các vựa thú ở TP.HCM lấy hàng từ ba nguồn: Miền Tây, miền Đông và từ biên giới Tây Nam về.

Một điều đáng lưu tâm là UBND TP.HCM từng có quyết định giải tỏa chợ Cầu Móng, một trung tâm buôn bán ĐVHD một thời lớn nhất Thành phố. Đồng thời Chi cục Kiểm lâm cũng thường xuyên phối hợp với Ủy ban và công an phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1 giải tỏa chợ thịt rừng ở đầu đường Phạm Viết Chánh. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền, chợ Cầu Móng đã được xóa sổ, nhưng vẫn còn đó chợ thịt rừng Phạm Viết Chánh hoạt động ì xèo, như thách thức cơ quan chức năng. Ngoài thịt nai đã giết mổ bày bán công khai, thịt các loài thú khác như tê tê, trúc, mễn... người có nhu cầu đặt trước một hôm là không thiếu.

Nói chung, buôn bán thú rừng ở TP.HCM hiện rất đa dạng, từ bán dạo cho đến các vựa, giá cả vài chục ngàn đến vài triệu đồng/con, tùy loại. Chính giá cả hấp dẫn, lợi nhuận cao đã thu hút số đông người lớn, trẻ con coi đây là một nghề. Đối với họ, việc đi bẫy, đi săn, hay kinh doanh, thưởng thức các món ăn từ ĐVHD là một thú vui. Nhiều người còn cho rằng ĐVHD là “của” trời cho, là vô tận nên ai cũng có quyền tận hưởng và khai thác. Trong một lần đi thực tế gặp một nông dân trên cánh đồng huyện Củ Chi, chúng tôi hỏi tại sao lại bắt con rắn còn sót lại trên cánh đồng tan hoang vì chuột? Ông trả lời thật bình thản: “Mình không bắt người khác cũng bắt. Chuột ngàn, chuột vạn, một con rắn bắt được bao con chuột”. Với cách nghĩ như vậy ĐVHD sao mà không cạn kiệt?

Có thể nói ĐVHD ở nước ta rất đa dạng, có giá trị cao về nhiều mặt nhưng do khai thác quá mức nên nhiều loài đã tuyệt chủng. Như đã thấy, một khi các loài như chim, ếch, rắn... bị cạn kiệt thì sâu bệnh, chuột phát triển mạnh, phá hoại mùa màng. Việc hạn chế được một bộ phận săn bắt, kinh doanh ĐVHD trái phép chỉ khi mọi người nhận thức được lợi ích của ĐVHD không phải ở bộ xương, bộ da, cái mật, cái sừng hay ký thịt, mà nó là một phần của tự nhiên làm cân bằng môi trường sinh thái. Khi ấy ĐVHD mới được bảo vệ một cách tự giác.

Về phía các ngành chức năng, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên nhất là giải tỏa bằng được những tụ điểm buôn bán ĐVHD ở các chợ hiện nay. Đồng thời cơ quan chức năng cần tập trung triệt phá các đường dây buôn bán ĐVHD từ các nơi về thành phố, có như vậy mới hạn chế được tình trạng khai thác, buôn bán ĐVHD trái phép.

ĐVHD và các sản phẩm của chúng đang và sẽ là món hàng kinh doanh đưa lại lợi nhuận rất cao. Điều đó có nghĩa, nguy cơ đe dọa sự tuyệt chủng của nhiều loài trong tương lai là có thật. Do vậy, việc bảo vệ ĐVHD không còn là trách nhiệm của địa phương hay của quốc gia mà là của cả cộng đồng. Nếu không, trong tương lai nhập khẩu thú rừng để nuôi là điều có thể. Nhưng những loài quý hiếm mua ở đâu khi mà thế giới cũng cạn kiệt?

Quốc Cường

 

Nguồn: Báo Du lịch