Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đề ra chủ trương "xã hội hoá" cả lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT). Đây là một trong những biện pháp nhằm huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT. Đây cũng là nguồn lực của xã hội, chung sức vào công cuộc bảo vệ môi trường thêm xanh, sạch, đẹp.
Một số bất cậpcần giải quyết
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đang chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Một vấn đề đặt ra là ngoài sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần phải huy động được mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển. Nhìn lại công tác BVMT trong thời gian qua, hoạt động xã hội hóa đã có những thành tích đáng ghi nhận. Rõ nét nhất là trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn. Theo đánh giá của Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên & Môi trường, Bộ TN&MT, tại TP HCM tỷ lệ tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt giữa các thành phần tư nhân và Nhà nước là 40% và 60%. Ở Hà Nội, ngoài công ty Urenco còn có các đơn vị ngoài quốc doanh tham gia thu gom chất thải rắn như Cty Cổ phần Thăng Long, Cty Cổ phần Xanh, HTX Thành Công. Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn cũng đã có sự tham gia của khối tư nhân như Cty Seraphin, Tâm Sinh Nghĩa, Thủy lực máy…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trung Thắng (thuộc Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên & Môi trường) cho biết, xã hội hóa BVMT cũng đang có nhiều bất cập. Cụ thể là chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào BVMT; chưa có cơ chế cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước tham gia BVMT. Vẫn còn những đối xử chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia bảo vệ môi trường...
Khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường
Mặc dù đã được quy định trong hệ thống chính sách pháp luật về BVMT một cách khá đầy đủ và toàn diện, song kết quả đạt được trong thời gian qua chưa thực sự mạnh mẽ như mong đợi.
Vì vậy, TS. Nguyễn Trung Thắng cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng, để chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này đi vào cuộc sống, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thì các cấp, ngành cần sớm đưa ra những quy định, chính sách phù hợp, giải quyết ổn thỏa những bất cập đang tồn tại. Trước hết, cần tích cực thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường theo Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Bộ TN&MT, rà soát lại và chuyển đổi các cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định rõ những lĩnh vực Nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thực hiện. Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư, Nhà nước và nhân dân cùng làm trong BVMT, đặc biệt là trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn, về thuế, về tín dụng cho các hoạt động BVMT cụ thể. Tổ chức truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức, tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động BVMT. Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực BVMT, tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân có nhu cầu tham gia công tác xã hội hóa BVMT. Thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang cung ứng dịch vụ môi trường và thành lập các công ty cổ phần mới, các tổng công ty, các tập đoàn tham gia cạnh tranh cung cấp các dịch vụ môi trường. Và cuối cùng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các phong trào BVMT trong nhân dân, đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về BVMT.