Mô hình này xuất hiện trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện từ năm 2000. Ðến nay, việc xây dựng mô hình đã có kết quả bước đầu trong việc góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, xây dựng cuộc sống hiện đại, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vô cùng quan trọng. Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Ðảng và Nhà nước rất quan tâm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu luôn luôn tìm tòi những mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số một cách phù hợp, có hiệu quả. Mô hình Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được đánh giá là một cách làm đúng đắn có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Nói đến làng, bản, buôn, phum, sóc, plây là nói đến tộc người, văn hóa tộc người là sắc thái của từng cộng đồng và từng địa phương. Muốn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc một cách bền vững và hiệu quả thì phải dựa vào cộng đồng và thực hiện trong không gian văn hóa truyền thống cộng đồng, tức là ngay trên làng, bản, buôn của mỗi dân tộc thiểu số. Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống Ðê ktu ở tỉnh Gia Lai được thực hiện như sau: Ðê ktu là một buôn làng thuần Ba Na có 79 hộ dân với 148 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng kinh tế nông nghiệp, đời sống vật chất khá ổn định chỉ còn7 hộ nghèo. Ðê ktu ít di chuyển trong quá khứ và chưa bị tác động nhiều bởi những yếu tố văn hóa ngoại lai, bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. 100% số nhà trong bản, làng là những căn nhà sàn mái lợp tranh hoặc tôn, sàn gỗ.
15 hộ gia đình còn lưu giữ được 20 bộ chiêng (340 chiếc),54 khung cửi dệt vẫn đang hoạt động. Dự án tập trung vào những công việc cụ thể như: bảo tồn môi trường cảnh quan cùng kiến trúc nhà ở và nhà mồ của dân tộc Ba Na, gìn giữ truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa ăn mặc, tiếng nói, chữ viết và các loại hình văn hóa dân gian, lễ hội, phong tục tập quán... Bên cạnh đó nhà rông mới làm nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho nhà rông cũ hỏng nát và ở địa thế chật hẹp khó tổ chức hoạt động nghệ thuật và lễ hội. Dự án đang tiếp tục được triển khai hoàn thiện nhưng đã có tác động rất lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa của một làng người Ba Na gốc. Nhiều buôn làng ở miền núi cũng thực hiện các dự án như ở Ðê ktu. Ðến nay, qua 10 năm thực hiện đã có 20 làng (bản, buôn...) của 15 dân tộc: Xtiêng, Chăm, Ba Na, Cơ Ho, MNông, Ê Ðê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer thuộc 20 tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
Các dự án bảo tồn đang được các địa phương tích cực thực hiện và vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sáng tạo. Thực tế cho thấy ở các địa bàn thực hiện dự án, đời sống kinh tế của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm văn hóa du lịch, sản xuất nông nghiệp nghề thủ công ngày càng phong phú, đa dạng đặc biệt là ở những nơi làm tốt công tác bảo tồn làng truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bản Cát Cát xã San Sả Hồ huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, được chọn đầu tư và là làng tiêu biểu của người Mông, nơi hội tụ nhiều yếu tố về tiềm năng bảo tồn, phát triển. Dự án xây dựng bản Cát Cát trở thành một bản du lịch hấp dẫn, bảo tồn một bản Mông nguyên gốc. Du khách đến đây được hòa mình vào cuộc sống của người dân, được thưởng thức cảnh quan sinh thái trong lành, đắm mình trong tiếng sáo và các làn điệu dân ca Mông quyến rũ cùng với các phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng, đám cưới, mừng nhà mới, lễ hội, hát giao duyên... Những năm gần đây, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch đã lấy ưu thế phát triển du lịch để chọn địa điểm làm dự án. Chúng ta chưa có điều kiện để cùng một lúc bảo tồn các làng, bản, buôn của các dân tộc thiểu số nhưng việc thực hiện các mô hình tiêu biểu mang ý nghĩa đột phá, có tác động rất mạnh tới suy nghĩ của đồng bào các dân tộc thấy rõ được giá trị của văn hóa truyền thống để từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Các mô hình tiêu biểu cũng kích thích các hoạt động xã hội hóa hoạt động văn hóa ở vùng núi và đồng bào dân tộc thiểu số, cuốn hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống ngay trên mảnh đất mình đang sống.
Ðể bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số có chiều sâu, bền vững, một trong những giải pháp có hiệu quả là tiếp tục thực hiện mô hình Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu - Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 với ưu tiên đầu tư từ nguồn kinh phí của chương trình và sự quan tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan./.