Hà Nội ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Cập nhật: 01/12/2010
Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải, và không khí.

Tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở một số địa phương trên địa bàn" ở Hà Nội ngày 29/11, đại diện các quận, huyện nêu những bức xúc, thực trạng về hiện trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, UVTV- Trưởng BTG quận Ba Đình, ở các đô thị và khu công nghiệp, ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, vấn nạn này càng trở nên cấp bách, bức xúc nhất là từ khi chúng ta đẩy mạnh thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế.

Trong mấy thập kỷ qua, các đô thị lớn đã gặp phải nhiều vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt gây ra. Theo các chuyên gia về môi trường, thủ đô Hà Nội ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm mà nguyên nhân chính là vì quá trình đô thị hóa chưa được quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ.

Môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay bị ô nhiễm nặng, nồng độ bụi trung bình gấp 2 – 3 lần thậm chí gấp hàng chục lần quy chuẩn cho phép. Ở các khu vực xây dựng hay sửa chữa đường sá thì nồng độ bụi gấp 5 – 7 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần quy chuẩn cho phép. Ô nhiễm không khí  ở các đường phố, khi bị tắc nghẽn giao thông, có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần so với mức độ ô nhiễm khi bình thường.

Theo ông Khánh, hiện toàn thành phố mới có bốn trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung xử lý được từ 3% - 5% tổng lượng nước thải đô thị, còn lại hầu hết nước thải chảy vào các sông chưa qua xử lý. Hà Nội có 142 hồ và nước các hồ hầu hết đều có dấu hiệu ô nhiễm do nước thải sinh hoạt thải vào hồ, một số hồ bị ô nhiễm nặng vào mùa khô.

Về chất thải, tổng lượng rác thải sinh hoạt của thành phố khoảng trên 3.500 tấn/ngày; chất thải xây dựng trên 1.000 tấn/ngày; chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 150 tấn/ngày; chất thải y tế nguy hại trên 5 tấn/ngày; rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn ước khoảng 2.000 tấn/ngày.

Hiện tại công tác xử lý, tiêu hủy, tái chế chất thải rắn chủ yếu dựa vào chôn lập các bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) khoảng 3.000 tấn/ngày, Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây) và nhà máy xử lý rác thành phân vi sinh tại Cầu Diễn, Seraphin.

Chất thải rắn công nghiệp phần lớn được thu gom, vận chuyển về bãi rác Nam Sơn để xử lý, tiêu hủy. Hiện tại chất thải rắn y tế nguy hại của một số bệnh viện đã được thu gom và xử lý tập trung tại lò đốt chất thải rắn y tế Cầu Diễn với công suất 5 tấn/ngày. Một phần nhỏ được xử lý tại các bệnh viện.

Đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông cho biết môi trường không khí lại bị ô nhiễm do ảnh hưởng của đô thị hóa và công nghiệp hóa. Hầu hết các làng nghề và một số nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải. Các mẫu nước thải tại các khu vực làng nghề, cơ sở y tế và một số cơ sở sản xuất công nghiệp đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn theo đại diện Huyện Phú Xuyên, ở các làng nghề, nước dùng để mài chai, ngâm gỗ rồi lại được đổ ra cống rãnh của thôn làng, không qua xử lý.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây, bức xúc các phòng khám thường xuyên đổ rác thải y tế vào cùng rác thải sinh hoạt, gây nguy cơ tiềm ẩn về môi trường và gây bệnh tật. Một số xã  như Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Cổ Đông, và Kim Sơn chưa có tổ thu gom rác thải nên rác chưa được thu gom tập trung, xử lý theo quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Bàn về giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm, ông Phạm Văn cho rằng các quận, huyện cần tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tập trung xử lý các bức xúc về ô nhiễm môi trường, xây dựng và triển khai các đề án, dự án bảo vệ môi trường.

Mai Anh

 

Nguồn: Vfej.vn