Ngày 19/11/2010 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ra công văn số 6414/UBND-NN cho phép một số đơn vị trong tỉnh thực hiện đấu giá 2,77kg cao hổ thành phẩm. Qua điều tra thêm, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được biết số cao hổ thành phẩm này hiện được bán với giá năm mươi triệu đồng một cân.
Quyết định trên đã thực sự gây sốc cho các nhà bảo tồn và hoạt động môi trường, câu hỏi đặt ra là ai đang bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp ở Việt Nam? Liệu những nỗ lực bảo tồn không biết mệt mỏi sẽ đều kết thúc tại nồi nấu cao?
Tất cả chúng ta đều biết rằng các cơ quan chức năng liên quan có nhiệm vụ bảo vệ ĐVHD và hệ thống luật pháp được xây dựng cũng vì mục đích này. Chúng ta có thể đổ lỗi cho sự thiếu hoàn thiện của hệ thống luật pháp nhưng điều đó không thể biện minh cho việc các cơ quan chức năng Thanh Hóa đã thiếu sự quyết tâm cần thiết để bảo vệ các loài ĐVHD.
Các cơ quan chức năng đã thành công trong việc phát hiện các vi phạm và tịch thu các tang vật có thể bị đưa vào thị trường. Nhưng sau khi các tang vật ĐVHD bị tịch thu, chúng lại được thanh lý, đấu giá để quay trở lại thị trường. Bức tranh này cho thấy khá rõ, vai trò của các cơ quan chức năng ở đây rất giống như một trung gian trong đường dây buôn bán ĐVHD trái phép, ngoại trừ một việc, số ĐVHD bị tịch thu kia đã trở nên hợp pháp sau khi qua tay các cơ quan chức năng.
Nhiều chuyên gia cho rằng thông qua việc tăng nguồn cung cho thị trường buôn bán ĐVHD, dù là hợp pháp hay phi pháp, chúng ta đã làm tăng cầu đối với mặt hàng này.
Cụ thể với việc cho phép bán cao hổ ra thị trường, rõ ràng rằng người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với sản phẩm này, đơn giản bởi vì nó không còn là phi pháp sau khi được các cơ quan chức năng hợp pháp hóa.
Nếu ĐVHD tiếp tục được xem như một loại hàng hóa trong mắt các nhà hoạch định chính sách địa phương và tình trạng nguy cấp của các loài động vật tịch thu được không có tác động gì đáng kể trong những quyết định quan trọng liên quan tới số phận của chúng thì từ một khía cạnh nào đó, mục tiêu tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD đã bị thất bại.
Ở Việt Nam, nuôi nhốt hổ vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, việc sở hữu và buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ là trái pháp luật. Tuy nhiên, nhu cầu về các sản phẩm từ hổ ở nước ta đang tăng dần cùng với sự phát triển của kinh tế và nhiều người có xu hướng sở hữu những sản phẩm “xa xỉ” mà trước đây họ không thể mua được.
“Bây giờ chính là cơ hội để chúng ta làm một điều gì đó.” Bà Lê Minh Thi, giám đốc chương trình của ENV, nói, “Trong khi tất cả mọi người đang nhìn vào Trung Quốc, buôn bán hổ tại Việt Nam có thể đang ở rất gần tình trạng bùng phát.”
Bà Thi cũng cảnh báo rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một thị trường tiêu thụ lớn sau Trung Quốc đối với các sản phẩm ĐVHD.
Đoàn đại biểu Việt Nam vừa mới trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh về Bảo vệ loài Hổ tổ chức tại Liên bang Nga từ ngày 21 tới ngày 24/11 vừa qua với những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ loài vật này. Chính phủ của 13 nước đã cùng cam kết tham gia vào Chương trình Phục hồi Hổ toàn cầu. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Thanh Hóa lại cho phép nấu cao tang vật hổ thu giữ được để đấu giá!
“Đây có thể là cơ hội duy nhất để Việt Nam của chúng ta không trở thành một thị trường tiêu thụ hổ lớn. Chính phủ cần có những biện pháp cứng rắn hơn trong việc ngăn chặn thảm họa to lớn đe dọa đến loài hổ không chỉ của Việt Nam, mà còn cả những cá thể hổ trong khu vực, bởi rất có thể số phận của chúng sẽ kết thúc trong nồi cao.” Bà Thi nói, “Các cơ quan chức năng Thanh Hóa cần phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và có hành động hợp lý đối với việc bảo vệ loài hổ. Điều mà công chúng mong đợi nhất từ các cơ quan chức năng chính là làm đúng trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ loài hổ của Việt Nam.”
Một điều khiến ENV lo ngại chính là hiện vẫn còn hai cá thể hổ chết (mỗi con nặng gần 100kg) đang được giữ đông lạnh tại trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến ở Thanh Hóa chờ được xử lý.
Hai cá thể hổ này được nuôi giữ tại đây và bị chết từ tháng 8/2010. ENV đã liên lạc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng liên quan nhằm gợi ý phương án xử lý hợp lý nhất đối với hai cá thể hổ này.
Trên thực tế, cách xử lý phù hợp nhất chính là chuyển giao cho một cơ sở nghiên cứu khoa học có đủ chức năng pháp lý và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Mới đây, các cơ quan chức năng Nghệ An đã nhận được sự ủng hộ lớn của công luận khi chuyển giao một số lượng lớn ĐVHD bao gồm cả hổ về cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.