Một góc nhìn về quản lý rừng cộng đồng

Cập nhật: 02/12/2010
Cộng đồng tham gia quản lý rừng đã tồn tại từ lâu đời, cả ở Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, để nhìn nhận và đánh giá vai trò của cộng đồng đối với tính hiệu quả của công tác quản lý và phát triển rừng thật không dễ dàng, ngay cả đối với những chuyên gia nghiên cứu thâm niên trong ngành. Bài phân tích trên tờ The Economist mới đây là một nguồn tham khảo đáng lưu tâm cho quý bạn đọc.

Từ câu chuyện quản lý rừng cộng đồng ở Mexico

Tính đến hiện tại, Mexico có trên 75% diện tích rừng được quản lý bởi cộng đồng, chủ thể là các Ejido - có thể hiểu là tổ hợp tác nông thôn - và các nhóm dân tộc thiểu số. Tiến trình chuyển đổi từ quản lý Nhà nước sang nhóm đối tượng này đã diễn ra từ những năm 20 của thập kỷ trước, sau khi Mexico hoàn thành cuộc cải cách về đất đai.

Nói một cách chi tiết hơn thì phần lớn rừng của quốc gia này vẫn do Nhà nước sở hữu, tuy nhiên quyền quản lý thì lại được chuyển cho các cộng đồng. Đặc biệt, kể từ cuối những năm 1970, sau sự phản kháng mạnh mẽ của hệ thống các tổ hợp tác đối với các doanh nghiệp khai thác gỗ thương mai khiến ngành gỗ phải chịu lùi bước, các nhóm cộng đồng đã giành được quyền kiểm soát và khai thác lâm sản nhiều hơn, tuy rằng họ vẫn bị hạn chế không được phép mua, bán rừng do mình quản lý.

Với những thay đổi căn bản này, Mexico trong con mắt các chuyên gia được xem là một ví dụ điển hình về quản lý rừng cộng đồng, mặc dù tình trạng phá rừng trên thực tế vẫn còn tồn tại. Bài học từ quốc gia Mỹ La Tinh này cho thấy khi người dân được giao rừng, họ sẽ có động lực quản lý rừng bền vững. Đây là giải pháp có lợi cho cả ba bên: Nhà nước - Người dân - Rừng.

Đến những lập luận đa chiều

Năm 1968, TS. Garrett Hardin, một nhà sinh thái học người Mỹ đã đưa ra phân tích về "Bi kịch của công sản". Lý lẽ của Hardin cho rằng tài nguyên nếu do cộng đồng quản lý chắc chắn sẽ bị khai thác quá mức do động cơ của một số thành phần trong nhóm hoặc do những nghi ngờ giữa nội bộ khiến các thành viên từ bỏ lòng tin của họ. Những lý lẽ này sớm được thừa nhận rộng rãi và đã được các chính phủ viện dẫn để giành lại quyền kiểm soát của họ đối với rừng vào những năm 1970, 1980.

Song, thực tế đã thay đổi, người ta đã dần dà nhận thức hơn rằng hầu hết các chính phủ không thể kiểm soát tốt rừng bằng người dân. Điều này là lý do khiến Chính phủ Guatemala chấp thuận giao 450.000 ha rừng nhiệt đới Maya cho 13 nhóm cộng đồng dân cư bản địa.

Trong hai thập kỷ qua, diện tích rừng ở các nước đang phát triển do cộng đồng quản lý toàn bộ hay một phần cũng đã tăng gấp đôi. So với tổng diện tích rừng thế giới, tỉ lệ rừng do các nhóm cộng đồng quản lý nay chiếm khoảng 27%, hay hơn 400 triệu ha về con số tuyệt đối. Luận thuyết của Gs. Elinor Ostrom - người được nhận giải Nobel Kinh tế 2009 - đã một lần nữa khẳng định rằng "Cộng đồng quản lý công sản tốt hơn chính quyền".

Bên cạnh đó cũng có những nhân tố khác dẫn đến chuyển đổi về chủ thể quản lý, chẳng hạn như những khiếu kiện của các nhóm người bản địa bị truất quyền lợi đối với rừng (diễn ra mạnh mẽ ở khu vực Mỹ La tinh) hay việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền ở châu Phi và Á. Sau quá trình thay đổi này, Tazania đã chuyển giao 2 triệu ha rừng cho cộng đồng, còn Ấn Độ cũng có thêm 275 triệu người dân được gắn quyền lợi đối với rừng gần nơi họ sinh sống.

Trong những bối cảnh cụ thể, cuộc cải cách diễn ra ở các nơi có khác nhau về phạm vi, hình thức và cách thực hiện. Tuy nhiên, chúng có điểm chung: cùng nhấn mạnh vào bảo tồn rừng, ngăn cấm việc mua/bán rừng, đồng thời chung một yếu điểm: có xu hướng ít tạo nên những thay đổi hơn so với hứa hẹn. Một phần lý do bị quy vào sự can thiệp của chính phủ nhằm nắm giữ quyền kiểm soát.

Các chính phủ thường hay giữ quyền quản lý đối với những khu rừng có giá trị cao hay dồi dào về tài nguyên. Với nhóm rừng này, có nhiều cộng đồng có quyền lợi gắn bó mật thiết song thực tế họ rất cần được hướng dẫn, tập huấn và tiếp cận với các khoản vay tín dụng để có thể quản lý rừng hiệu quả. Song, đáng tiếc điều đó hiếm khi diễn ra thuận lợi. Quyền lợi thường bị rơi vào một nhóm lợi ích nhỏ một cách thiếu công bằng.

Có thể nhìn thấy những vướng mắc này trong câu chuyện đã diễn ra ở Ấn Độ. Lần cải cách lâm nghiệp gần nhất của Ấn Độ đã diễn ra năm 2006 sau khi diễn ra làn sóng phản ứng kịch liệt đối với chính sách về khoanh đất rừng, cấp cho mỗi hộ 4 ha đất nông nghiệp và cho phép người dân được hưởng một phần lâm sản hàng năm.

Việc triển khai chính sách này vô cùng rắc rối về thủ tục nên đã không mấy thu hái kết quả. Một chương trình khác được thực hiện trước đó về đồng quản lý rừng - hứa hẹn chia sẻ nguồn lợi nhờ ngăn chặn nạn phá rừng và từ trồng rừng cũng đã gây nản lòng người dân. Người ta vẽ ra những mô hình hợp tác đầy triển vọng giữa các nhóm cộng đồng có tổ chức với chính quyền, song nạn tham nhũng, sự chi phối của các quan chức đã ngăn cản sự tham gia của người dân.

Câu trả lời còn tuỳ thuộc

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế tiến hành tại 11 nước nhiệt đới cho kết quả khá bất thường. Hầu hết trong các nghiên cứu đều cho thấy có một số lợi ích tập trung vào một số thành viên trong cộng đồng, và quyền kiểm soát đã không khuyến khích cộng đồng quản lý rừng tốt hơn. Ở những nơi cộng đồng được giao rừng nghèo kiệt và được hướng dẫn tái sinh rừng, người dân có thể làm theo. Tuy nhiên, ở những nơi việc giao rừng dẫn đến xung đột quyền lợi, rừng thường bị suy kiệt thêm, mà điều này xảy ra khá phổ biến.

Nói vậy không phải để chỉ trích rằng quản lý rừng cộng đồng là không tốt. Rất khó để cân bằng lợi ích giữa người nghèo và rừng. Tuy nhiên, để có thể đảm trách tốt việc quản lý, cộng đồng cần có quyền mạnh mẽ hơn và cần được hỗ trợ về kỹ thuật.

Sự hỗ trợ này không nên can thiệp sâu vào cách thức quản lý rừng của cộng đồng vốn (mặc dù không phải luôn luôn) được đúc kết từ những hiểu biết sâu sắc của người bản địa. Kết quả khả quan hay không cũng còn do các nhân tố ngoại tác ảnh hưởng tới, chẳng hạn như việc thực thi luật pháp, khả năng tiếp cận thị trường lâm sản...

Trở lại câu chuyện rừng cộng đồng Maya ở Guatemala nêu trên, người ta đã nhận thấy các điểm du lịch khảo cổ nền văn minh Maya nơi mang lại nhiều doanh thu cho nhóm cộng đồng quản lý cũng chính là nơi còn lưu giữ lại những cánh rừng dày. Trong khi ở một vài vị trí khác, cũng cùng một nhóm dân tộc thiểu số ấy, với cùng một kiểu rừng ấy, nhưng rừng đã bị tàn phá.

Nhận xét về kết quả khác biệt này, Gs. Elinor Ostrom cho rằng chúng ta không nên quá kỳ vọng vào một phương thức bảo tồn rừng tối ưu. Cũng có những khu rừng do chính phủ quản lý sẽ tốt hơn, cũng có những cánh rừng do cộng đồng quản lý sẽ tốt hơn, và ngược lại. Nếu cho rằng rừng cộng đồng là "giải pháp trị bách bệnh" để quản lý rừng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Điều này cũng đúng ngay cả với rừng cộng đồng của Mexico. Rút ra từ những bài học quản lý rừng cộng đồng của chính quốc gia mình, ông Juan Manuel Torres Rojo, Giám đốc Cục Lâm nghiệp Mexico chia sẻ “Lâm nghiệp cộng đồng xét ra không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế, song đó là một giải pháp tốt về mặt quản lý tài sản công, và đặc biệt là về mặt bảo tồn."

Hải Anh

 

Nguồn: The Economist