Ô nhiễm và bị lấn chiếm
Đây chính là hai "nỗi buồn" lớn nhất của không ít hồ trên địa bàn Hà Nội. Theo TS Hoàng Văn Thắng (Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường - ĐH Quốc gia Hà Nội), số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, riêng hồ Tây trung bình mỗi ngày đêm phải tiếp nhận 4.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt của hàng chục nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện gần kề thải ra. Đó là chưa kể đến hàng chục tấn rác thải của nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn và hộ gia đình ven hồ trực tiếp xả xuống. Theo báo cáo của Sở KHCN, hàm lượng amoniac ở hồ Tây đã lên đến 1,5mg/lít nước, gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép. Con số này ở hồ Gươm là 1mg/lít nước, gấp hai lần tiêu chuẩn cho phép. Ở các hồ Thanh Nhàn, Ngọc Khánh... hàm lượng amoniac còn cao hơn nhiều lần. Điều này chứng tỏ độ ô nhiễm môi trường nước đã đến mức báo động đỏ.
Trong thời buổi giá nhà đất leo thang, tình trạng lấn chiếm diện tích hồ ngày càng trở nên tinh vi và quyết liệt. Từ năm 1990 lại đây, Hà Nội có tới 21 hồ bị "xóa sổ" và hơn 150ha diện tích mặt nước bị "bốc hơi". Dĩ nhiên không phải toàn bộ 100% số diện tích này là do lấn chiếm nhưng rõ ràng là có một phần đáng kể bởi mưu đồ lấn chiếm một cách vô tổ chức. Riêng hồ Tây từ năm 1987 đến nay đã "hao" 50ha; hồ Trúc Bạch mất gần 1/4 diện tích...
Một trong những "điểm nóng" về ô nhiễm và lấn chiếm hồ ở Hà Nội chính là địa bàn quận Đống Đa. Nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Cao Huần, TS Trần Anh Tuấn (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy, từ 16 hồ (năm 1983), đến nay quận Đống Đa chỉ còn 12 hồ. Bốn hồ "biến mất" là Cây Dừa, Ba Gian, ĐH Thủy lợi và Ô Chợ Dừa. Diện tích những hồ khác cũng có xu hướng giảm rõ rệt. Hầu hết các hồ bị ô nhiễm khá nặng với hàm lượng BOD5 gấp 3-10 lần tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, tình trạng quản lý hồ kiểu "cha chung không ai khóc" cũng đang diễn ra.
GS-TS Nguyễn Cao Huần cho biết thêm, nhiều trường hợp, một hồ cùng lúc có nhiều cơ quan quản lý và sử dụng. Riêng các hồ ở quận Đống Đa, việc sử dụng, khai thác được giao cho nhiều cơ quan và mỗi đơn vị quản lý một phần. Do đó, việc nạo vét và quản lý môi trường các hồ gặp nhiều khó khăn. Những gì đã, đang diễn ra ở hồ Văn Chương, Linh Quang, Định Công... là điển hình.
"Cứu" hồ chưa hợp lý?
Vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm "cứu" hệ thống hồ trên địa bàn khỏi bị lấn chiếm và khắc phục tình trạng ô nhiễm. Gần đây, đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội" đã liệt kê 44 hồ và 1 hồ ở thị xã Sơn Tây vào diện cần cải tạo với mục tiêu là đến năm 2015 sẽ có 23 hồ được cải tạo, hướng đến giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ, cải thiện vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, việc cải tạo hồ theo phương pháp chung là nạo vét bùn, sau đó "cứng hóa" bờ bằng bê tông liệu đã là giải pháp khả thi nhất chưa đến nay vẫn còn nhiều ý kiến.
GS Phạm Ngọc Đăng (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng taluy quá thoải để kè hồ sẽ làm giảm thể tích lòng hồ. Các hồ sau khi kè giống như hình tam giác ngược, làm hồ giảm sức chứa và khả năng thẩm thấu. Khi trời mưa, do không thẩm thấu được nên các hồ trở thành ao tù chứa nước, làm tích úng cục bộ. Quan điểm này cũng được sự đồng tình của GS-TSKH Trần Hiếu Nhuệ (Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường). Đưa ra bằng chứng cho nhận định của mình, GS Nhuệ ví dụ về hàng loạt các cầu nhỏ khu vực Hòa Mục, Trung Hòa... chỉ cần mưa to một chút là nước nghẽn lại.
Theo PGS-TS Trịnh Thị Thanh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Nội nên nghiên cứu biện pháp kè hồ theo hướng thân thiện với môi trường để áp dụng ở những hồ còn lại. Cụ thể: xen kẽ các ô bê tông là các ô khung bê tông trống để hở đất cho cỏ và hoa. Việc này giúp cho hồ thực hiện được chu trình tự nhiên giữa môi trường đất. Ngoài ra, không nên sử dụng hồ vào mục đích chính là nuôi cá vì phần thức ăn thừa của cá là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.
Để quản lý tốt hơn các hồ ở Hà Nội, cần phải kết hợp thực hiện nhiều giải pháp, trong đó điều quan trọng nhất là tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học và sự tham gia của cộng đồng. Điều này bảo đảm được sự ổn định trong việc quản lý hồ cùng với việc bảo tồn các giá trị, chức năng và tính chất cụ thể của chúng, đặc biệt là các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh thái, điều tiết nước, cải tạo khí hậu, không gian vui chơi... Rõ ràng, việc thành lập một cơ quan quản lý thống nhất các hồ trên địa bàn, trước mắt là khu vực nội thành, là điều nên được tính đến.