Vừa qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo quốc gia về Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2020. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Lãnh đạo của một số Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số Bộ ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành về tài nguyên và môi trường thuộc các Viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, để các ngành, các cấp thực hiện trong mười năm tới. Tư tưởng chủ đạo của Chiến lược là liên kết các lĩnh vực để tạo sức mạnh tổng hợp, khai thông các “điểm nghẽn” để tạo đà phát triển, tập trung nguồn lực tạo nên những đột phá, nhằm xây dựng ngành tài nguyên và môi trường chính quy, hiện đại.
Ngay sau phần khai mạc, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược (phối hợp với Vụ Kế hoạch - Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã trình bày một số nét chính của dự thảo Chiến lược. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, ngành tài nguyên và môi trường phát triển theo hướng hiện đại, thực sự là một trong ba trụ cột chính để đất nước phát triển bền vững, trên cơ sở hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng công nghệ thông tin để xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ; dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai kịp thời, chính xác; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản; gìn giữ chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã đóng góp ý kiến về nhiều mặt, giúp bổ sung và hoàn thiện dự thảo. Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của nhóm soạn thảo và đặt kỳ vọng Chiến lược sẽ giúp gia tăng nhận thức và hiệu quả hành động trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2020 cũng như trong tương lai. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số quan điểm về nội dung cụ thể của Chiến lược, như: bảo vệ và khai thác nguồn nước ngầm; hoàn thiện cơ chế pháp lý trong hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên; vấn đề an ninh quốc gia trong sử dụng tài nguyên; cơ chế phối hợp và phân cấp trong thực hiện Chiến lược; dự trù các nguồn lực để đảm bảo Chiến lược được thực thi hiệu quả và đem lại lợi ích dài lâu; cơ chế giám sát và đánh giá…
Sau phiên thảo luận tại Hội trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã đưa ra một số ý kiến kết luận như sau: Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2020 là chiến lược tổng thể, thể hiện tinh thần cách mạng, đổi mới trong quản lý tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, cần có đánh giá cụ thể hơn, nêu rõ những cơ hội, thách thức và thực trạng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cũng như đánh giá, tổng hợp đúng tình hình bối cảnh thực tế trong nước và quốc tế. Song song với việc đặt vấn đề ưu tiên là khâu đột phá về thể chế quản lý tài nguyên và môi trường, cần đảm bảo tính logic trong cấu trúc của Chiến lược. Thứ trưởng chỉ đạo, để nâng cao tính khả thi của Chiến lược, cần hoàn thiện mục tiêu, giải pháp – trong đó có các giải pháp về tài chính, cải cách thể chế, hợp tác quốc tế… và bổ sung việc đánh giá, giám sát, dự báo rủi ro khi thực hiện Chiến lược. Mặt khác, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Chiến lược nên có sự phân chia lộ trình (ví dụ, giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020) và có kế hoạch chi tiết để thực hiện với các hoạt động cụ thể, trong đó ở giai đoạn đầu, cần nêu ra được chương trình, dự án để thực hiện.
Bế mạc hội thảo, cùng với những nhận định, kết luận, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn các đại biểu đã quan tâm tham dự và nhiệt thành đóng góp ý kiến. Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị chủ trì soạn thảo là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhanh chóng tổng hợp các ý kiến, có giải trình và tiếp thu để sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược, trình Chính phủ trong thời gian tới.