Cơ hội phát triển cho “Vương quốc đá” Đồng Văn

Cập nhật: 02/12/2010
Sự kiện Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO ngày 3/10 góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Đồng thời sự kiện này cũng giúp tận dụng cơ hội đưa khát vọng “biến đá thành nguồn thu nhập chính” từ bao đời nay của đồng bào thành hiện thực sống động trong tương lai gần.

“Báu vật” quốc gia

Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn với trùng điệp đá giăng mắc xây thành trên diện tích tự nhiên 2.350km2, gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc cực kỳ hiểm trở và kỳ vĩ, là bức thành đá góp phần bảo vệ sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Chính nhờ đó, nơi đây vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên nhiều di sản về lịch sử tiến hóa của trái đất, với các di sản kiến tạo và địa mạo, các di sản cổ sinh, địa tầng và cổ môi trường, làng văn hóa dân tộc, các danh thắng nổi tiếng.

Tiêu biểu như mặt trượt trong đá vôi ở Quản Bạ là dấu ấn thể hiện rõ nét nhất hoạt động đứt gẫy làm nên thung lũng huyện lỵ Tam Sơn; các điểm đá vôi vân đỏ, đá vôi xám đen, đá vôi Trùng thoi ở khu vực Đồng Văn-minh chứng vùng cao nguyên này được hình thành từ 260 - 350 triệu năm về trước.

Những hóa thạch Tay cuộn, hóa thạch Bọ Ba Thủy ở Ma Lé và Lũng Cú có tuổi khoảng từ 400-500 triệu năm cũng đã được tìm thấy trên cao nguyên này; những rừng đá, vách đá, hang đá cổ, những kim tự tháp chóp karst nối tiếp nhau tạo nên dãy bằng Đông Dương hùng vĩ và đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng. Còn khu dinh thự Nhà Vương ở Lũng Phìn, khu phố cổ huyện Đồng Văn...là những điểm vừa có giá trị về lịch sử vừa có giá trị về xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, đến nay sơ bộ thống kê được 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo và rất nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó nhiều di sản được xếp hạng quốc gia và quốc tế.

Hệ thống di sản văn hóa tại đây cũng khá phong phú, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cộng đồng 17 dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn trong suốt bề dày lịch sử đã tạo dựng cho mình những kho tàng kiến thức vô cùng phong phú, đa dạng, thể hiện kỹ năng sống thích ứng và hòa đồng với thiên nhiên trong lao động sản xuất, cũng như sinh hoạt văn hóa xã hội, góp phần tạo ra sự đa dạng độc đáo của 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn Hà Giang.

Bởi vậy, ngoài những di sản được thiên nhiên ban tặng, Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Từ bao đời nay, họ “sống trên đá chết nằm trên đá” theo phương thức bạt đá dựng nhà, gửi đất vào đá để trồng trọt, khoét đá để tìm dòng nước ngọt. Đá dựng thành tường rào bao quanh thôn bản, đá giữ nước, giữ đất để có ruộng bậc thang; đá dựng thành rừng, lũy để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Không những có giá trị to lớn về nghiên cứu địa chất, "Vương quốc đá" Đồng Văn còn lưu giữ nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, như Khu vực bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu bảo tồn và sinh cảnh Vooc mũi hếch Khau Ca. Trong hệ thực vật, đáng chú ý là cây Thông Đỏ có đường kính tới 70cm, sống lâu năm nhất ở khu vực phía Bắc. Cùng với một số loài cây đã đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được xếp ở cấp R (cấp hiếm) như cây Bảy lá một hoa, cây Đỉnh Tùng...Về nguồn gen động vật nuôi bản địa tiêu biểu là lợn, bò, gà, đặc biệt là Gà xương đen.

Cơ hội phát triển

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện của UNESCO tại Việt Nam nhận định việc gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đón trước cơ hội này, ngay từ năm 2009, Hà Giang đã nỗ lực trong việc tạo ra những bước đột phá mới thông qua việc cùng với các tỉnh khu vực Tây Bắc ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thống nhất với các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn ký kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh.

Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch như mở các lớp tập huấn về thuyết minh viên du lịch, nghiệp vụ nấu ăn, tập huấn phát triển du lịch cộng đồng… Nhờ đó, nhiều hạng mục công trình phục vụ cho phát triển du lịch cũng đã được đầu tư hoàn thiện, nổi bật là điểm dừng chân Cổng trời Quản Bạ; nhà dừng chân vọng cảnh, điểm Mã Pì Lèng-Mèo Vạc; Trạm dừng chân Đèo Gió-Xín Mần.

Một số doanh nghiệp tư nhân cũng đã mạnh dạn đầu tư, đưa các công trình vào sử dụng như khách sạn Hoa Cương, Cao Nguyên đá ở Mèo Vạc và Đồng Văn, khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên. Đến nay tỉnh đã có 98 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 cơ sở đạt chuẩn 2 sao, 8 cơ sở đạt chuẩn 1 sao, còn lại 88 cơ sở đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ du lịch, một số khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao khác cũng đang được nhanh chóng xây dựng, sắp đưa vào sử dụng.

Nếu như năm 2008, Hà Giang mới thu hút được khoảng 188.000 lượt khách trong và ngoài nước, thì bước sang năm 2010 ước tính có tới 350.000 lượt người, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông cho biết để biến "vương quốc đá" Đồng Văn thành lợi thế phát triển du lịch trọng điểm, tỉnh đã và đang ưu tiên cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch, trong đó chú trọng đến các thôn bản dân tộc đặc sắc để thu hút khách; đi đôi với đào tạo cho cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ du lịch.

Trước mắt, tỉnh sẽ phối hợp với các trường đào tạo du lịch tổ chức các lớp đào tạo thực hành ngắn hạn cấp tốc cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ du lịch ở địa phương. Nhất là đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch chính như Cột cờ Lũng Cú, khu di tích nhà Vương, chợ Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn, các bản dân tộc Phó Cáo... đi đôi với mở rộng tuyến đường tới các điểm du lịch chính, trùng tu, nâng cấp và bảo tồn các nhà cổ trong khu phố cổ tại Đồng Văn và quy hoạch lại đường xá quanh khu chợ Đồng Văn.

Tỉnh cũng lập dự án bảo tồn khu phố này để huy động nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Trên cơ sở quy hoạch, tăng cường công tác xúc tiến nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô thích hợp, có kiến trúc hài hoà với môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Về sản phẩm, hiện 4 huyện đang phối hợp xây dựng chương trình du lịch gắn với những địa danh như Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc, chợ Khâu Vai... Trong đó khuyến khích tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, tạo mối liên hệ thân thiện giữa khách du lịch người dân địa phương, tiếp tục khảo sát, khám phá các điểm du lịch mới để thu hút khách. Nghiên cứu, hình thành các tuyến điểm du lịch sinh thái tại các rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các tuyến điểm du lịch mạo hiểm như leo núi, đi môtô, xe đạp địa hình, các phương tiện đi trên suối như thuyền cao su, bè tre, thuyền nan; phát triển và cung cấp dịch vụ cho khách du lịch sinh thái, mạo hiểm như dịch vụ hướng dẫn, cung cấp trang thiết bị, dịch vụ ăn uống, mang hành lý cho khách...

Tỉnh cũng lựa chọn các bản dân tộc đặc sắc, tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang xây dựng thành tuyến tham quan bản văn hóa dân tộc tiêu biểu; các lễ hội đặc sắc để quan tâm đầu tư, nâng cấp, tránh sân khấu hoá lễ hội; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, sản xuất mặt hàng lâm thổ sản của đồng bào dân tộc và các sản phẩm đặc sắc của địa phương để làm hàng lưu niệm bán cho khách du lịch./.
 

Văn Hào-Minh Tâm 

Nguồn: TTXVN