Trong 20 năm qua, chính phủ Việt Nam quan tâm rất nhiều đến việc bảo vệ rừng và phát triển, nhờ đó “độ che phủ rừng tăng từ 27% năm 1990 đến 39,5% năm 2010.” Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong bài phát biểu tại cuộc thảo luận “Rừng cho mọi người: Tập trung vào hợp tác toàn cầu đối với việc khôi phục cảnh quan”.
Việt Nam hiện có khoảng 13,4 triệu ha rừng, trong đó, gần 11 triệu ha là rừng tự nhiên, hơn 2 triệu ha rừng trồng.
Theo đại diện một tổ chức về rừng của Mỹ - Forest Trends, con số trên thể hiện rõ nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
“Đây là con số tương đối ấn tượng nếu so sánh với năm 1980 khi tỷ lệ che phủ thấp”, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích Đông Nam Á của chương trình Tài chính&Thương mại Rừng của Tổ chức Forest Trends (Tổ chức các xu hướng rừng) cho biết.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng nâng cao cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua việc lồng ghép chương trình rừng và đảm bảo người dân có đủ lương thực, thoát nghèo.
“Gần đây, chính phủ đã bắt đầu sáng kiến trả tiền cho các dịch vụ môi trường rừng”, Bộ trưởng cho biết. “Sáng kiến trên giúp người nghèo có thêm cơ hội cải thiện cuộc sống và quản ly rừng bền vững”
Những nỗ lực của Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về rừng. Theo tổng thư ký của Diễn đàn Liên Hợp quốc về Rừng, bà Jan Mac Alpine, những gì Việt Nam đang nỗ lực làm cho thấy “mùi vị của đổi mới”
Trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực của mình thông qua việc xây dựng chương trình mang tầm quốc gia sau năm 2010.
“Quốc hội đã có nghị quyết tiếp tục một chương trình tầm quốc gia sau khi kết thúc dự án năm năm trồng mới 5 triệu ha rừng vào năm 2010”, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chương trình tiếp theo cho biết.