Hướng dẫn viên tại các điểm di sản đóng vài trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch nói chung và trong việc giữ gìn bảo tồn các điểm di sản nói riêng. Bởi vậy, một nội dung nhỏ nhưng vô cùng quan trọng mà khóa học đào tạo HDV di sản đã được UNESCO tổ chức vào tháng 11/2010 tại Hội An vừa qua đã đề cập tới: đó là vai trò thầy giáo và cảnh sát của HDV di sản.
Hiện nay trên thế giới có bao nhiêu điểm du lịch? Chúng ta chưa thể thống kê hết được, nhưng trong đó chỉ có 911 điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới bởi những giá trị nổi bật toàn cầu. Ở Việt Nam, tính đến năm 2010 chỉ có 13 di sản thế giới gồm cả vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, liệu những tài sản vô giá không thể thay thế đó của nhân loại có thể tồn tại bao lâu nữa khi mà nhận thức của con người còn hạn chế, ngày càng nhiều di sản được đưa vào danh sách có nguy cơ bị đe dọa với mức độ trầm trọng. Người làm việc trực tiếp với những di sản đó – HDV di sản – cần phải làm gì?
HDV di sản vừa phải đóng vai trò là Thầy giáo, vừa là Cảnh sát. Là Thầy giáo? HDV di sản phải có trách nhiệm giảng giải du khách hiểu được tại sao Di sản đó lại được UNESCO công nhận là di sản thế giới? HDV không chỉ giúp du khách nhìn, cảm nhận thấy được vẻ đẹp của di sản mà phải cho họ hiểu được giá trị của vẻ đẹp đó và tại sao lại được cả thế giới tôn vinh. Du khách không phải tất cả đều là những nhà nghiên cứu cần tìm hiểu chuyên sâu, do đó mỗi đối tượng khách HDV cần có những cách thức thuyết minh và cung cấp lượng thông tin khác nhau, tuy nhiên phần cốt lõi thì luôn luôn phải được làm nổi bật, đó chính là những giá trị của di sản đã được UNESCO công nhận. Chẳng hạn tại khu di tích Mỹ Sơn, vai trò Thầy giáo của HDV là phải giúp khách sau khi tham quan hiểu được tại sao chỉ là “những đống gạch đổ nát” nằm ngổn ngang giữa rừng núi lại được công nhận là di sản thế giới, hiểu được tại sao cần bảo vệ những giá trị hiện hữu trong đó…
Là Cảnh sát? HDV di sản không chỉ có trách nhiệm giới thiệu cho du khách về vẻ đẹp của khu di sản mà phải luôn chú ý, nhắc nhở khách, thậm chí có những hành động kịp thời để bảo vệ di sản. BQL tại khu di sản lại không thể bao quát hết được mọi hành vi của du khách, HDV cần phải phối hợp giám sát hành vi của khách tại khu di sản. Mỗi ngày có bao nhiêu du khách đến tham quan, mỗi du khách chỉ cần tác động nhẹ đến di sản thì chúng ta cũng tưởng tượng được mức độ phá hoại của nó đến mức nào. Một ví dụ điển hình đó là đầu các cụ rùa đội bia tại Văn Miếu - Quốc Tử giám đã bị bào mòn nhẵn bóng, nguyên nhân do đâu? Chỉ là cái chạm tay rất nhẹ để cầu an của mỗi du khách khi đến tham quan. Nếu như không có biện pháp bảo tồn đúng thì những cụ rùa đó sẽ không còn nằm trong trí tưởng tượng nữa. Hay như Cầu Chùa Nhật Bản tại Hội An, di tích này đã tồn tại hơn 400 năm, đã trùng tu rất nhiều lần, và chỉ cần mỗi du khách khi mệt mỏi đứng dựa lưng vào cột, thử hỏi sức chống đỡ có thể tồn tại được thêm bao lâu nữa?
HDV chính là cầu nối gắn kết du khách với điểm tham quan. Du khách có ấn tượng, hứng thú với điểm tham quan đó hay không một phần dựa vào vai trò Thầy giáo của HDV. Du khách có ý thức cùng gìn giữ di sản một phần phụ thuộc vào vai trò Cảnh sát của người hướng dẫn. Chỉ cần một phần nhỏ đó thôi nhưng cũng góp phần rất lớn để bảo vệ những giá trị tinh hoa của nhân loại. Và HDV di sản chính là người tạo nên một phần nhỏ đó.
Trần Thị Thu Hằng