Là đơn vị sự nghiệp khoa học và bảo vệ rừng trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, được giao quản lý là 34.995 ha rừng và đất rừng nằm trên địa bản 3 tỉnh Vĩnh phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, nhưng Vườn quốc gia Tam Đảo đã gắn kết với Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện tốt công tác Bảo vệ cảnh quan, môi trường và đa dạng sinh học.
Rừng Tam Đảo có giá trị rất lớn về các mặt: Văn hoá, du lịch, cảnh quan, phòng hộ và bảo vệ môi trường. Đặc biệt tài nguyên sinh vật ở đây rất phong phú và đa dạng (đã phát hiện được 1436 loài thực vật, trong đó có 58 loài quí hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ; có 1141 loài động vật; trong đó có 64 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn, 16 loài đặc hữu; 18 loài trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán trong phụ lục của CITES). Vì thế, việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và đa dạng sinh học ở đây rất khó khăn phức tạp, trước sức ép về nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Cùng với việc tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) năm 2010 Vườn quốc gia Tam Đảo còn tăng cường quản lý bảo vệ rừng và đất rừng, theo Quyết định 186/2006/QĐ- TTg và Quyết định 83/ 2007/QĐ- BNN- KL. Cụ thể là triển khai sắp xếp, bố trí cán bộ, giao diện tích quản lý rừng và đất rừng cho tất cả 17 trạm kiểm lâm và 4 chốt bảo vệ rừng quanh núi Tam Đảo; xây dựng phương án PCCCR. Thành lập 133 tổ xung kích PCCCR ở cấp xã, duy trì 23 Ban chỉ huy PCCCR, làm mới 50km đường băng cản lửa, 26 lán canh lửa tạm thời. Các trọng điểm hay xảy ra cháy rừng duy trì chế độ trực thường xuyên 24/24 giờ, với đầy đủ thiết bị PCCCR. Tất cả 11.350 ha rừng (4.643,8 ha rừng trồng và 6.706,2 rừng tự nhiên) đều đượcgiao khoán cho các hộ. Tất cả 500 ha rừng tái sinh tự nhiên cũng đã được khoanh nuôi chuyển tiếp. Tới nay, kế hoạch trồng rừng đặc dụng ở đây cũng đã hoàn thành với 40 ha trồng Thông mã vĩ thuần và 360 ha trồng hỗn giao với cây bản địa.
Cùng với việc liên kết chống xâm hại vườn quốc gia, trong thời gian qua VQG Tam Đảo đã hợp tác triển khai 3 đề tài nghiên cứu khoa học: Phục hồi rừng ; Nghiên cứu bảo tồn một số loài thực vật đặc hữu, quí hiếm; Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây thuốc quí hiếm, nguy cấp tại đây. Trong những năm gần đây VQG Tam Đảo còn hợp tác với Tổ chức động vật châu Á thành lập trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo bắt đầu hoạt động từ năm 2007 đến nay đã cứu hộ được 69cá thể gấu; Phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ( ENV ) tổ chức Chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư vùng đệm và học sinh về bảo tồn Đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên rừng và kỹ năng giáo dục môi trường cho
các khu bảo tồn ở Việt Nam.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Tam Đảo đã gắn kết các đơn vị trực thuộc VACNE tổ chức các hoạt động cho các tình nguyện viên thế giới thực hiện giáo dục môi trường và các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Tam Đảo.