Hà Nội ưu tiên phát triển du lịch văn hóa và sinh thái

Cập nhật: 20/12/2010
Thông tin trên được ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch Hà Nội diễn ra sáng 17/12.

Phát triển du lịch văn hóa và sinh thái sẽ là ưu tiên của ngành du lịch Hà Nội trong những năm tới, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng của thủ đô.

 

Thông tin trên được ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch Hà Nội diễn ra sáng 17/12.

Theo đó, Hà Nội sẽ khai thác tối ưu các giá trị tài nguyên tự nhiên, các giá trị di sản văn hóa - lịch sử nhằm đa dạng và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời gắn kết phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên, môi trường vì sự phát triển bền vững.

Theo ông Dũng, Hà Nội là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới và là thị trường rộng lớn với 6.45 triệu người, trong đó 67% ở độ tuổi lao động.

Thành phố có khoảng 5.100 di tích lịch sử lâu đời, hơn 700 danh thắng và di tích đã được xếp hạng và trên 1.300 làng nghề truyền thống. Tạp chí Travel & Leisure bình chọn Hà Nội là 1 trong 5 thành phố du lịch hấp dẫn của Châu Á từ năm 2002 tới nay.

Hiện nay, Hà Nội có 639 khách sạn, trong đó có 38 khách sạn 3, 4 và 5 sao với 5.000 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố có 10 trung tâm thương mại lớn, 84 siêu thị, 410 chợ, hơn 200 cửa hàng tiện ích. Đây sẽ là các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Hà Nội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, ông Dũng khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ravi Kumar, Trưởng đại diện của Tập đoàn CLARK Ấn Độ nhận định: “Thực sự cần thiết để mở một đường bay thẳng nối Việt Nam và Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác du lịch cũng như thương mại giữa hai quốc gia”.

Rất nhiều du khách Ấn Độ muốn đến Việt Nam, Lào, Campuchia và thường liên lạc với các công ty lữ hành Ấn Độ để hỏi làm thế nào để tới các quốc gia này một cách nhanh và thuận tiện nhất vì một số thị trường như Thái Lan và Singapore đã quá quen thuộc với họ.

Ngoài ra, nhiều người dân Việt Nam sùng Đạo Phật cũng có thể thích đến Ấn Độ, cái nôi của Đạo Phật, vì vậy việc mở đường bay thẳng là rất quan trọng.

Được biết năm 2010, Hà Nội ước tính thu hút khoảng 11,8 triệu khách du lịch, tăng 15,5% so với năm 2009. Trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 1,2 triệu, tăng 18,42%.

Hà Nội sẽ tập trung khai thác tiềm năng của những vùng du lịch lớn như vùng Ba Vì-Viên Nam, vùng Tam Đảo-Sóc Sơn, hành lang du lịch Sông Hồng, vùng du lịch Quan Sơn-Hương Tích.

Ngành du lịch thủ đô sẽ chú trọng đến tu bổ và phát triển các khu du lịch văn hóa lịch sử: Khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Thành cổ Sơn Tây, Làng Việt cổ Đường Lâm và các điểm du lịch ven Hồ Tây, Hồ Gươm cũng như khu Phố cổ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng các khu du lịch sinh thái có quy mô lớn: khu du lịch văn hóa môi trường Hương Sơn, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Suối Hai-Núi Ba Vì, Khu du lịch sinh thái Sóc Sơn, cụm du lịch tại huyện Mỹ Đức và điểm du lịch sinh thái ven Sông Hồng.

 

Nguồn: Dân trí