Từ thách thức ô nhiễm
Vịnh biển Nha Trang là một trong số vịnh biển được công nhận đẹp nhất thế giới. Với diện tích hơn 500km2, vịnh có 19 hòn đảo tạo ra những "lá chắn" sóng gió để vùng vịnh bốn mùa êm ả, trong đó lớn nhất là đảo Hòn Tre gồm 3.250ha, nhỏ nhất là Hòn Nọc ước chừng 4ha. Ngoài ra, nơi đây còn có tiềm năng du lịch sinh thái biển tuyệt vời. Đặc biệt, trên hai đảo Hòn Mun, Hòn Nọc còn có loài chim yến hội tụ ở đây tạo ra đặc sản yến sào được ví như "vàng trắng" ở vùng đất rừng trầm, biển yến. Giữa năm 2001, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và cũng là khu bảo tồn biển (BTB) đầu tiên ở Việt Nam được hình thành trên diện tích 160km2...
Ban quản lý (BQL) khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hải dương học và Đại học Nha Trang tiến hành nhiều cuộc khảo sát đánh giá đa dạng sinh học trong vùng vịnh để tính toán giải pháp bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vịnh biển Nha Trang phải gánh chịu không ít tác động xấu về môi trường và hiện trạng khai thác tiềm năng dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong vùng nước.
Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc BQL khu BTB vịnh Nha Trang, nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng vịnh phát sinh từ nhiều nguồn. Chất thải từ các ruộng đồng, khu dân cư và các cơ sở công nghiệp, chế biến thủy sản và chất thải sinh hoạt ở các khu dân cư theo nguồn nước đổ vào vịnh biển từ cửa sông Cái ở phường Xương Huân, sông Tắc ở phường Vĩnh Trường và 5 cống thoát nước thải...
Ngoài ra, với số lượng hàng trăm tàu thuyền neo đậu, đánh bắt hải sản và hoạt động trên các tuyến du lịch biển đảo đưa đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, lượng dầu nhớt thải, rác thải luôn là nỗi lo thường trực của những người làm công tác bảo tồn vịnh biển.Mặt khác, dưới đáy vịnh ở vùng ven bờ là hiện trạng lắng đọng trầm tích bởi chất thải từ các cầu cảng, công trình xây dựng nhà ở, khách sạn, đường giao thông và những đợt nạo vét hạ lưu sông Cái, sông Quán Trường và cảng Nha Trang.
Thêm một mối đe dọa môi trường vịnh biển là tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch hoặc thiếu quy hoạch chi tiết. Theo thống kê của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, hiện có khoảng 380 lồng với gần 9.000 bè nuôi tôm hùm trên vịnh Nha Trang, thải ra không biết cơ man thức ăn thừa. Do mất cân bằng sinh thái trong vùng nước bởi nhiều tác động xấu về môi trường, nên những năm gần đây rạn san hô ở vịnh biển Nha Trang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt bởi sao biển gai tấn công…Một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo: "Khối trầm tích xuất hiện trong vịnh Nha Trang theo chiều hướng gia tăng, vật chất lơ lửng trong nước biển cũng tăng nhanh”.
Và nỗ lực làm sạch môi trường
Trước tình trạng vịnh Nha Trang bị ô nhiễm, tỉnh Khánh Hoà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân sống trên đảo, ven bờ chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế vứt rác thải bừa bãi xuống biển, không chặt phá rừng ngập mặn.
Để tạo thói quen cần thiết cho người dân, BQL khu BTB vịnh Nha Trang và chính quyền phường Vĩnh Nguyên không chỉ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh môi trường mà còn tập huấn cho người dân ở đảo và lao động trên các lồng bè tôm cá phân loại rác trước khi đưa tới điểm tập kết. Ngoài ra, BQL Khu BTB vịnh Nha Trang còn phải thuê 14 lao động thu gom, bốc xếp rác ở đảo và cầu cảng phía đất liền. Bên cạnh, BQL Khu BTB vịnh Nha Trang còn vận động ngư dân thu gom rác trôi nổi trên biển, lặn bắt sao biển gai tiêu hủy để bảo vệ rạn san hô. Đặc biệt, với sự phối hợp hỗ trợ tích cực từ các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, ngăn chặn triệt để việc đánh cá bằng chất nổ và các phương tiện xung điện.
Bên cạnh đó từ năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hoà giao BQL khu BTB vịnh Nha Trang triển khai thực hiện phương án thu gom, vận chuyển rác trong vịnh. Kinh phí ban đầu cho hoạt động này khoảng 500 triệu, gồm các hạng mục như: xây dựng hầm xử lý rác, thùng đựng rác, tập huấn phân loại rác; thuê tàu vận chuyển, hợp đồng lao động, mua thiết bị, dụng cụ… phục vụ cho công tác vận chuyển rác vào đất liền.
Sau 1 năm thực hiện, phương án thu gom, vận chuyển rác trong vịnh Nha Trang ban đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Đến nay, các đơn vị liên quan đã thu gom hơn 1.500 tấn rác thải tại vịnh Nha Trang, trong đó lượng rác thu được chủ yếu tại các lồng, bè (khoảng 800 tấn), số rác còn lại thu được từ các khu dân cư trên đảo. Hiện nay, lượng rác được thu gom hàng ngày từ 4 - 5 tấn, cao điểm lên đến 7 tấn. Hoạt động thu gom rác đã giúp giảm áp lực ô nhiễm trên vùng biển vịnh Nha Trang. Nhờ đó, tại nơi công cộng trên các đảo, mặt nước biển đã phần nào sạch, đẹp hơn. Qua hoạt động thu gom rác trên vịnh Nha Trang, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân cũng được nâng cao.
Các biện pháp khoa học phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường biển vịnh Nha Trang cũng được đẩy mạnh. Riêng Viện Hải dương học Nha Trang có những nghiên cứu giúp phát triển vịnh Nha Trang, có những biện pháp công nghệ như phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, nuôi trồng mới rạn san hô. PGS-TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, hiện là Chủ tịch Ủy ban Hải dương học Việt Nam cho biết, Viện đã có những nghiên cứu thực hiện 1 số công nghệ phục hồi cảnh quan vịnh Nha Trang, đặc biệt 2004-2006 nghiên cứu nuôi trồng hệ san hô, ngoài ra còn nuôi một số sinh vật biển sống trong hệ san hô như cá khoang..
Mặc dù, việc bvmt biển vịnh Nha Trang vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa quản lý chặt nguồn thải từ hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh, người nuôi trồng thuỷ sản chưa nộp phí thu gom rác, quy hoạch bảo vệ môi trường phát triển nuôi trồng thuỷ sản chưa được triển khai…nhưng bằng những hoạt động cụ thể, thường xuyên ở trên, ý thức, trách nhiệm của người dân đã được nâng nên đáng kể, tạo tiền đề để môi trường, cảnh quan trong vịnh được Xanh, Sạch, Đẹp, phát triển bền vững.