Càng gần Tết Nguyên đán, càng “nóng” vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là vào dịp trước và trong tết thì các vụ vi phạm ATVSTP liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua với số lượng cũng như mức độ ngày càng khủng khiếp.
Thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, do mang tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm sản xuất từ các cơ sở tư nhân không đăng ký kinh doanh sản phẩm nên không đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Qua kiểm tra của các cơ sở y tế, ở một số nơi 67% thịt quay có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật, 36% xúc xích, lạp xường bị nhiễm vi khuẩn, 88% nem chạo, nem chua, giò chả phát hiện có coliform, 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.
Để đảm bảo tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), từ nay đến Tết Nguyên đán, Cục ATVSTP tiếp tục tăng cường giám sát và cập nhật thông tin về nhiều loại thực phẩm nguy cơ mất an toàn cao, trong đó có các loại gia vị, vị lẩu. Với các thực phẩm nguy cơ cao, nếu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trong thời gian qua, tình hình an toàn thực phẩm đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở một số địa phương. Nhiều vi phạm về ATTP như kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc rõ ràng, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm không an toàn, hàng nhập lậu; Chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm, rượu pha chế từ cồn công nghiệp... đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Để chủ động và tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong toàn bộ các khâu từ nuôi, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; phát hiện, điều tra, xử lý khắc phục nhanh chóng hậu quả ngộ độc thực phẩm; tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; hướng dẫn cho người tiêu dùng không lạm dụng và sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm tươi sống không qua chế biến, không ăn tiết canh, gỏi...; kiểm tra liên ngành về ATTP tại địa phương, tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phục vụ Tết...