Quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo

Cập nhật: 19/01/2011
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu nhất định trong khai thác, sử dụng và quản lý biển, hải đảo nước ta nhưng về tổng thể vấn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, mới phát triển ở một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện và thể hiện rõ nét tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương để giải quyết bài toán phát triển mang tầm thời đại của dân tộc.

Muốn phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, cần chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh trên biển, với bảo đảm an sinh xã hội trên biển và hải đảo, với sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, với phát triển hải đảo và vùng nội địa, với mở rộng hợp tác quốc tế và giữ vững chủ quyền vùng biển theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập và toàn vẹn lãnh vùng biển của tổ quốc.

Bất cập trong thể chế và chính sách

Biển và vùng bờ biển nước ta là nơi tập trung các hoạt động kinh tế khác nhau và vẫn chủ yếu được quản lý theo ngành. Theo cách quản lý này, các ngành thường chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu phát triển kinh tế, các mục tiêu xã hội và môi trường ít được ưu tiên, đồng thời chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình ít chú ý đến lợi ích ngành khác. Do vậy, tính toàn vẹn và tính liên kết của các hệ thống tự nhiên vùng bờ nói trên bị chia cắt, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên vùng này ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tính bền vững của các hoạt động phát triển ở đây. Liên quan đến quản lý biển và vùng bờ có nhiều cơ quan quản lý khác nhau, nhưng vẫn còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, trong khi có những mảng trống bị bỏ ngỏ không ai có trách nhiệm giải quyết. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học và các tổ chức phi chính phủ  trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển, đặc biệt ở vùng ven bờ.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý hoàn toàn thụ động và không thường xuyên, do còn thiếu các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của họ một cách cụ thể. Cộng đồng địa phương vừa là người hưởng thụ tài nguyên, vừa là một trong những chủ thể quản lý, có kiến thức bản địa, hiểu được nguyện vọng và công việc của chính họ. Lôi cuốn cộng đồng địa phương vào quản lý tài nguyên biển chính là góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tăng cường dân chủ ở cơ sở và nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Cần có giải pháp mang tính liên ngành

Để quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo phải xây dựng, áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng “ xuyên biên giới”, liên kết với cộng động và các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Mục đích chung cuối cùng của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là đảm bảo phát triển đa ngành (cùng phát triển), sử dụng đa mục tiêu ( tối ưu hoá) và đảm bảo đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên môi trường biển, ven biển và hải đảo. 

Quan điểm và mục tiêu cụ thể của quản lý nhà nước về biển và hải đảo là: Góp phần đẩy manh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo phát trinểnbền vững về kinh tế, xã hội và môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Kiểm soát được tình hình sử dụng biển, ven biển và hải đảo trên cơ sở đảm bảo và cải thiện sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển và trên các hải đảo.

Đổi mới và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý biển, vùng ven biển và hải đảo, trong bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong ứng phó với các tác động của BĐKH và mực nước biển dâng đến vùng bờ và các đảo nhỏ.

Xuất phát từ các nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tế của Việt Nam nói trên, công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Rà soát, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp thống nhấ đối với biển, vùng ven biển và hải đảo, bao gồm luật, các văn bản dưới luật, các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, các quy định về thuế, phí, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng biển, hải đảo, tham gia và vận dụng các điều ước quốc tế về biển, hải đảo phù hợp với lợi ích quốc gia.

Tăng cường công tác điều tra cơ bản và tổng hợp biển, hải đảo, trước mắt rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể (Đề án 47) về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển năm 2010, tâm nhìn đến năm 2020. Xây dựng và quản lý thống nhất về mặt nhà nước đối với cơ sở dữ liệu biển, hải đảo.

Định kỳ kiểm kê, đánh giá tình hình khai thác, sử dụng biển, vùng ven biển, hải đảo làm căn cứ tiến hành phân vùng chức năng và quy hoạch sử dụng biển, hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trên phạm vi quốc tế, theo vùng biển và ở các tỉnh, thành phố ven biển.

Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ biển mạnh, hiện đại phục vụ thiết thực công tác điều tra, nghiên cứu và khảo sát biển, phục vụ khai thác, sử dụng và chế biến tài nguyên biển, thực hiện tốt các chương trình, dự án khoa học công nghệ biển.

 Tham gia nghiên cứu và triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH và mực nước biển dâng ở vùng ven biển và hải đảo Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khia chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020.

Tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm biển, vùng ven biển và trên các hải đảo, đặc biệt đối với các khu vực đang tranh chấp về mục đích sử dụng, các điểm nóng ô nhiễm và đa dạng sinh học, các khu vực hay xảy ra sự cố tràn dầu.

Triển khai các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về biển gắn với tăng cường tiềm lực và năng lực quản lý cho hệ thống quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo từ TƯ xuống địa phương. 

Triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân địa phương về quản lý biển, vùng ven biển và hải, về sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo.

 

Phòng Cơ học và Môi trường biển, Viện Cơ học- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Nhà báo Môi trường Việt Nam