Trong 6 tổ dân cư của Hải Minh, tổ 50 được coi là nơi ô nhiễm rác nặng. Con đường từ khu dân cư lên tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo luôn đầy ứ rác. Khu vực bến thuyền là nơi thấp trũng, nên rác ứ đọng rất nhiều. Lúc cao điểm, bến thuyền như một bãi rác khổng lồ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rác đổ xuống biển, sóng đánh dạt vào lưới, người đánh cá phải gỡ rác rất khổ sở.
Trong một thời gian dài, việc xử lý rác thải ở Hải Minh lâm vào ngõ cụt. Nhiều kế hoạch, phương án đưa ra đều thiếu tính khả thi. Ông Mai Văn Xịn, Khu vực trưởng khu vực 9, cho biết: “Năm 2006, từng có kế hoạch chôn rác ở cạnh bãi Rạng, phía sau khu dân cư, nhưng kế hoạch này nhanh chóng “phá sản”, vì lượng rác thải mỗi ngày quá lớn, vả lại bãi Rạng được đánh giá là có vẻ đẹp hoang sơ, cần gìn giữ. Còn chôn rác trên núi cũng không ổn, vì núi khu vực này chủ yếu là đá bàng rất cứng, không thể đào hố rác được. Lần nào tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng phản ánh lên trên, mong được giúp đỡ...”.
Bài toán rác thải Hải Minh được tháo gỡ vào đầu tháng 9.2009, khi UBND TP Quy Nhơn ra công văn chỉ đạo cho Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn phối hợp với phường Hải Cảng lập phương án thu gom, vận chuyển rác thải tại Hải Minh. Đến giữa tháng 9, phương án bắt đầu được triển khai.
Theo phương án này, hằng ngày, rác thải sinh hoạt sẽ được người dân Hải Minh gom vào các túi nhựa, mang ra đặt tại các địa điểm công cộng được quy định. Vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần, tổ thu gom rác sẽ đến từng địa điểm tập trung rác, mang rác đến bến thuyền Hải Minh, chuyển rác lên thuyền từ bến Hàm Tử đưa sang.
Để chuẩn bị cho việc thu gom rác, 6 tổ thu gom đã được thành lập ở 6 tổ dân cư. Mỗi tổ thu gom có 4 người, được trang bị phương tiện bảo hộ, được trả lương 500 ngàn đồng/người/tháng. Đồng thời, việc thu phí vệ sinh cũng được tiến hành, với mức 8.000 đồng/hộ/tháng.
Theo kế hoạch, đầu tháng 11.2009, chuyến rác đầu tiên từ Hải Minh được thu gom bằng xuồng và qua xe trung chuyển đưa về bãi xử lý rác của thành phố. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, đến đầu tháng 4.2010, kế hoạch này mới thực hiện được.
Theo ông Mai Văn Xịn, ban đầu khi phương án xử lý rác được phổ biến, nhiều người phản ứng, nói thẳng: “Bao đời nay, dân Hải Minh vẫn thải rác xuống biển có sao đâu!”. Cán bộ khu vực phải tuyên truyền, vận động, bà con mới “thấm” dần. “Người này nhắc người kia, dân Hải Minh giờ đã bắt đầu quen dần với việc ngày ngày gom rác vào bịch ni-lon, mang ra điểm thu gom”- bà Nguyễn Thị Hạ Huyên, 53 tuổi, ở tổ 48, cho biết.
Đến Hải Minh những ngày này, dạo quanh các khu dân cư, có thể cảm nhận được một không khí thoáng đãng. Những con đường nhỏ đan cài vào nhau đã sạch sẽ, “vắng bóng” rác. Tuy vậy, đường lên tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo vẫn nhếch nhác. Từng đống rác sinh hoạt, xà bần chễm chệ bên đường, bì ni-lon vương vãi khắp nơi. Tại bến thuyền, thức ăn thừa, vỏ bánh kẹo, xác động vật chết… vẫn lềnh bềnh trên mặt nước.
Chỉ hơn 10 phút ngồi đợi thuyền tại bến Hải Minh, chúng tôi đã chứng kiến cảnh hai người dân đổ rác xuống biển. Đầu tiên là một cụ già ngoài sáu mươi, sau đó là một cô gái, hai người xả rác bừa bãi mà không cần nhìn trước ngó sau, không hề thấy phân vân hay băn khoăn…
Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Hải Minh. Song, có một thực tế là, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân nơi đây vẫn chưa được cải thiện, nhiều người vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi.
Và, khi nạn ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết dứt điểm, thì ngày Hải Minh trở thành một địa chỉ du lịch hãy còn xa vời…