Bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng, trách nhiệm của chúng ta

Cập nhật: 21/01/2011
Bài viết của Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh phân tích, nêu bật giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể Hội Gióng, từ đó đề ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Hội Gióng.

Chủ thể và khách thể của Hội Gióng là những người nông dân ở các làng quê thuộc các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên. Hằng năm, người dân mở hội vào mồng 6 tháng Giêng với đền Sóc, mồng 9 tháng Tư với đền Phù Đổng. Các lễ hội ấy đều là ẩn chứa những lớp văn hóa-tín ngưỡng  mang những giá trị sâu sắc về lịch sử, nhân văn. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, chứa đựng những sáng tạo văn hóa mang tầm kiệt tác của nhân loại, nhưng lại là lễ hội chứa đựng khát vọng hòa bình mãnh liệt của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Các lễ hội này lại là những lễ hội mang tính cộng đồng sâu sắc, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được người dân vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, người Việt Nam nói chung thừa nhận như là một phần bản sắc của họ.

Chính những giá trị ấy của Hội Gióng đã khiến cho di sản văn hóa phi vật thể này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trách nhiệm của chúng ta với Hội Gióng lại càng lớn hơn và nặng nề hơn. Làm sao có thể bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng, bởi Hội Gióng bây giờ không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trước hết, chúng ta phải thực hiện đầy đủ những cam kết của Việt Nam trong hồ sơ quốc gia đệ trình với UNESCO: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Việt Nam đã tham gia Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, Công ước 2003 là công cụ pháp lý của chúng ta trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng, nhưng cũng là những yêu cầu đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng.

Mặt khác,  Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và ban hành năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009. Với một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, có rất nhiều công việc phải tiến hành, nhưng trước mắt tập trung vào một số công việc  sau đây:

Thứ nhất là tuyên truyền quảng bá giá trị của Hội Gióng, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một tài sản vô giá không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản của nhân loại. Đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đã công nhận, để cộng đồng hiểu rõ, nắm sâu những tài sản vô giá mà các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay. Càng tự hào về di sản được UNESCO vinh danh, càng phải xác định trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta giữ gìn di sản văn hoá này không phải chỉ cho dân tộc ta, mà còn giữ gìn cho nhân loại.

Thứ  hai là tổ chức  sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê khoa học Hội Gióng. Bên cạnh những tư liệu đã có về Hội Gióng ở Phù Đổng, ở  đền Sóc, cần tiếp tục thực hiện công việc này ở lễ hội các làng còn lại. Cố gắng hoàn thiện những tư liệu về Hội Gióng, cả chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Pháp v.v... Tổ chức xuất bản các kết quả nghiên cứu, sưu tầm bằng nhiều hình thức khác nhau: sách, tờ gấp, đĩa DVD, CD v.v... Gắn kết các sản phẩm  này với  việc tuyên truyền quảng bá du lịch, để di sản có thể phát huy được tiềm năng kinh tế của mình. Làm sao vừa giữ gìn được di sản văn hoá phi vật thể, vừa phát triển được du lịch một cách bền vững, để góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội  của đất nước.

Thứ  ba là phục dựng Hội Gióng ở các địa phương của Hà Nội mà những năm qua  do nhiều lý do chưa phát triển trở lại như lễ hội ở một số làng thuộc các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín của thành phố Hà Nội trên quan điểm chọn lọc những tinh hoa trong lễ hội cổ truyền để phát huy trong cuộc sống hôm nay. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phục dựng, tổ chức Hội Gióng. Ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa lễ hội, nhất là với Hội Gióng. Đồng thời gắn kết việc bảo tồn phát huy lễ hội cổ truyền nói chung, Hội Gióng nói riêng  với việc phát triển du lịch, để di sản văn hóa nói chung, Hội Gióng nói riêng có tác  dụng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.

Thứ tư là truyền dạy các giá trị của Hội Gióng với thế hệ  trẻ. Những năm qua, công việc truyền dạy thế hệ trẻ  về truyền thuyết Thánh Gióng đã có nhiều kết quả, bây giờ, khi Hội Gióng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng phải làm tốt hơn công tác này. Làm sao để thế hệ trẻ nhận thức, cảm nhận được giá trị của Hội Gióng, vẻ đẹp của người anh hùng thần thoại Thánh Gióng, hiểu rõ bản sắc văn hóa Việt Nam  thông qua lễ hội và truyền thuyết Thánh Gióng.

Thứ năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội  khẩn trương xây dựng Chương trình hành động quốc gia để bảo tồn, phát huy giá trị của Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên cơ sở chương trình hành động này, các địa phương của thành phố Hà Nội, cùng các đơn vị chức năng của Bộ triển khai thực hiện, để công cuộc bảo tồn phát huy giá trị của Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc  đạt kết quả cao.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện  của nhân loại, mỗi con người Việt Nam rõ ràng đều có quyền tự hào với di sản của cha ông để lại cho chúng ta đã được thế giới vinh danh. Biến niềm tự hào, phấn khởi ấy thành hành động cụ thể thiết thực là công việc cần thiết. Bởi bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam nói chung, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc nói riêng là  trách nhiệm của tất cả chúng ta.

UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của Hội Gióng với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà VN đã cam kết với UNESCO khi đệ trình bộ Hồ sơ về Hội Gióng. Có rất nhiều công việc phải thực hiện, nhưng từ góc độ của cộng đồng, tôi nghĩ phải thực hiện một số công việc sau:

Xác định chủ thể và khách thể của Hội Gióng là người dân ở các làng thờ phụng Thánh Gióng. Chính cộng đồng dân cư ở các làng xã ấy phải đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của Hội Gióng, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là quan điểm của UNESCO trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mọi kế hoạch, mọi công việc của công cuộc bảo tồn và phát huy  này phải quán triệt quan điểm ấy. Muốn thực hiện được điều ấy, phải làm cho cộng đồng nhận thức đầy đủ các giá trị của Hội Gióng với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tạo mọi điều kiện để cộng đồng phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong việc tìm kiếm các biện pháp thực hiện Chương trình hành động quốc gia mà Việt Nam đã cam kết để bảo vệ và phát huy giá trị của Hội Gióng.

Trước mắt, hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ lễ hội ở các làng Phù Lỗ, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn), Cán Khê, Sơn Du, Đống Đồ (huyện Đông Anh), Xuân Tảo (huyện Từ Liêm), Đông Bộ Đầu (huyện Thường Tín) v.v... Hỗ trợ cộng đồng tự tổ chức, quản lý, thực hiện  tập luyện thực hành các nghi lễ, trò diễn của Hội Gióng ở xã Phù Đổng, như vót hoa tre, đan voi, chém tướng v.v... ở các làng của huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh, như  mở các lớp dạy múa hát Ải Lao của phường Ải Lao ở làng Hội Xá (quận Long Biên). Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang web về hội Gióng để  phát triển du lịch. Thành lập Câu lạc bộ các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở các Ban khánh tiết ở các làng hiện nay, xây dựng chương trình hoạt động cho Câu lạc bộ để tổ chức này của cộng đồng đóng vai trò tích cực trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng...(Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội).

Hoàng Tuấn Anh

Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL

 

Nguồn: Báo Văn hóa