Bắc Ninh đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là việc khôi phục và mở rộng hàng loạt các làng nghề truyền thống, trong đó các làng nghề có tác động lớn đến môi trường không khí chiếm tỷ lệ khá cao như: luyện kim, tái chế giấy, chế biến thực phẩm… Bên cạnh những tác động tích cực về hiệu quả kinh tế thì vấn đề môi trường, nhất là môi trường không khí tại các làng nghề trong tỉnh đang bị suy giảm. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 5 làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh (gồm làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê, làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng nghề tái chế giấy Phong Khê, làng nghề đúc đồng Đại Bái và làng nghề tái chế kim loại màu Văn Môn) của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy: Sự ô nhiễm chủ yếu ở các làng nghề là do bụi và các khí SO2, NO2. Ở tất cả các làng nghề này nồng độ bụi trong không khí khá cao, cơ bản đều vượt giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 5937:2005 và QCVN 05:2009/BTNMT. Chỉ số SO2, tại làng nghề Châu Khê cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3,8 lần; tại làng nghề Văn Môn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 4,8 lần. Chỉ số NO2, tại Châu Khê cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3 lần, làng nghề Văn Môn cao hơn 3,6 lần… Nguyên nhân ô nhiễm chính là do khí thải của các lò đúc kim loại làng nghề Văn Môn và của lò đúc lò nung tại các cơ sở sản xuất sắt thép ở làng nghề Châu Khê đã phát tán vào môi trường xung quanh làm cho nồng độ khí SO2, NO2, tại khu vực làng nghề và các vùng phụ cận tăng cao. Cùng với đó là lưu lượng các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm ngày một tăng cao cũng góp phần đáng kể làm gia tăng nồng độ bụi, khí SO2 và NO2… gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.
Ô nhiễm không khí không chỉ tác động làm suy giảm đến sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và hệ sinh thái tại các khu vực làng nghề, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến bầu khí quyển lá phổi của hành tinh. Ô nhiễm khí quyển đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của mọi quốc gia trên thế giới. Hiện nay, môi trường khí quyển đang có nhiều biến đổi rõ rệt ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Nếu không có những biện pháp xử lý mạnh, đi đôi với áp dụng công nghệ môi trường thì diễn biến ô nhiễm không khí tại các làng nghề không thể có hướng thuyên giảm mà ngày càng gia tăng với cường độ mạnh theo sự mở rộng và phát triển của các làng nghề. Do vậy tại mỗi làng nghề và từng doanh nghiệp, trong mỗi bước đi của mình phải gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường và định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, chủ động áp dụng các công nghệ xử lý môi trường, giảm thiểu tối đa sự phát thải các chất thải làm bất lợi tới môi trường.