Thời gian qua, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, với mức bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 15,93%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.157USSD năm 2005 lên 1.863 USD năm 2010, cho thấy đây là bước tiến vượt bậc của một thành phố trẻ ở khu vực miền Tây Nam Bộ.
Phát huy tiềm năng du lịch, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế
Thành phố Sóc Trăng không chỉ được biết đến là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh Sóc Trăng, mà nơi đây còn có rất nhiều địa danh nổi tiếng thu hút khách du lịch tới thăm quan. Được thành lập từ năm 2007, thành phố Sóc Trăng trực thuộc tỉnh Sóc Trăng với 10 đơn vị hành chính, từ phường 1 đến phường 10. Với diện tích tự nhiên là trên bảy nghìn sáu trăm ha, dân số trên 173.900 người, trong đó có trên 60% người kinh, người khmer chiếm 23,4% và người Hoa chiếm 16,4%. Những năm gần thành phố Sóc Trăng đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch bởi có nét đặc trưng rất đặc sắc xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, sự hòa quyện, giao thoa văn hóa tuyệt vời giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Đây cũng là thành phố có số lượng chùa Phật nhiều nhất cả nước với 54 đình, chùa. Trong đó nổi tiếng như Chùa Dơi ở khóm 9 phường 3, có khuôn viên rộng trên 7ha, được xây dựng vào thế kỷ 16. Mỗi ngày tại đây có khoảng 200 - 300 lượt khách đến hành hương, tham quan. Chùa Khaléang ở phường 6 được xây dựng vào thế kỷ 15 trên diện tích rộng gần 4ha. Chùa có giá trị về mặt kiến trúc, được trang trí bởi những đường nét hoa văn hài hòa, chạm khắc tinh vi, thể hiện sự giao thoa về nghệ thuật độc đáo của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Hay như chùa Đất sét tại phường 5 được nhiều người tìm đến bởi những tượng được tạo từ đất sét với những cây nến đã cháy hàng chục năm. Không chỉ có vậy mà thành phố Sóc Trăng còn có nhiều di tích thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng như Nhà lưu niệm Bác, Nhà truyền thống văn hóa Khmer, lễ hội Ooc Om Boc, đua ghe Ngo hàng năm…v.v..Do biết phát huy lợi thế, trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của thành phố Sóc Trăng đã chuyển dịch nhanh theo hướng tăng trưởng của các ngành thương mại-dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, một nét đặc trưng của phát triển kinh tế thành phố Sóc Trăng.
Cùng cả nước vui đón xuân Tân Mão, nhân dân thành phố Sóc Trăng phấn khởi trước những thành tựu và sự đổi thay với tốc độ nhanh chóng của một thành phố vừa được thành lập hơn chục năm. Ông Trần Văn Út ở phường 3, thành phố Sóc Trăng tâm sự, là người con của quê hương, chứng kiến sự thay đổi của một đô thị vùng sông nước Nam bộ, ông càng tự hào mình là đảng viên, vững tin đi theo con đường mình đã chọn, con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng đã mang lại cho ông, bà con nhân dân quê ông một thành quả cách mạng to lớn do chính bàn tay của những người sắt son với Đảng xây dựng nên. Năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của thành phố Sóc Trăng đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng thì bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố cũng còn gặp một số hạn chế khó khăn, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị.
Những giải pháp phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đề ra mục tiêu trọng tâm, đó là phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, công khai, minh bạch, bình đẳng. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng thương mại- dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang phát triển đô thị theo qui hoạch, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu thành phố Sóc Trăng trở thành đô thị loại II vào năm 2015. Để làm được điều này, Đảng bộ và nhân dân thành phố Sóc Trăng đã đưa ra những giải pháp cụ thể cho phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ và quản lý đô thị. Ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, thành phố Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Không những vậy, thành phố Sóc Trăng tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào việc cải tạo, giữ gìn đường phố. Tổ chức di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu công nghiệp tập trung, qua đó đưa thành phố Sóc Trăng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và dịch vụ của tỉnh. Trước mắt thành phố tập trung vào các khâu đột phá để lãnh đạo, triển khai, đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan, kiến trúc, văn hóa và trật tự đô thị, bảo đảm thành phố Sóc Trăng là một đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.
Đối với việc phát triển thương mại, dịch vụ, thành phố Sóc Trăng khuyến khích và áp dụng các biện pháp ưu đãi đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả Trung tâm thương mại thành phố, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại như Trung tâm thương mại giai đoạn 2, khu phố thương mại cao ốc Nguyễn Huệ, xây dựng cải tạo và nâng cấp các chợ phường, chợ đầu mối và chợ đêm…Thành phố Sóc Trăng tiếp tục huy động mọi nguồn lực để mở rộng, liên doanh thu hút các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm du lịch hiện có, song song với đó là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hóa, thương mại. Đi đôi với khai thác, thành phố cũng khôi phục và phát triển lễ hội văn hóa của đồng bào người Hoa, Khmer. Phát huy thế mạnh các điểm du lịch như Chùa Mahatup, chùa Đất Sét, Khu văn hóa Hồ nước ngọt, Khu di tích bác Tôn…