Tiếp tục kiểm tra việc chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19.2 Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã đến kiểm tra tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Và, chùa Mía (thị xã Sơn Tây-Hà Nội).
Tại đây, Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao công tác quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, những biểu hiện biến tướng, tiêu cực trong hoạt động lễ hội cần phải được xử lý nghiêm, kịp thời và không được có thái độ “cả nể”, cho qua...
Cũng trong ngày 19.2, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Lê Khánh Hải dẫn đầu đã đến chùa Hương (Hà Nội) để kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đây.
Đền Sóc: Không còn xuất hiện các hiện tượng mê tín, dị đoan
Làm việc nhanh với Ban tổ chức lễ hội đền Sóc, các thành viên trong Đoàn công tác ghi nhận sự cố gắng của các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm chăm lo, bảo tồn và gìn giữ không gian, cảnh quan cũng như các công trình của di tích; công tác đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự trong lễ hội đã đạt được nhiều kết quả; việc bố trí, sắp xếp hàng quán, dịch vụ và bãi đỗ xe tương đối ngăn nắp, văn minh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hành hương.
Đặc biệt, hiện tượng mê tín dị đoan như xóc thẻ, bói toán hay nạn cờ bạc gần như không xuất hiện. Công tác quản lý tiền và hòm công đức được thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch.
Theo Ban tổ chức cho biết, ngay từ đêm 30 Tết, người dân và du khách thập phương đã đến tham quan và trẩy hội đền Sóc. Tính đến thời điểm này đã có khoảng 15 vạn lượt khách đến tham quan lễ hội, tăng ba vạn so với năm ngoái.
Sau khi kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn và Ban quản lý, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc, theo đó đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền sở tại trong việc đã quan tâm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di tích và lễ hội đền Sóc, như các công trình di tích được bảo vệ và giữ gìn tốt, không để tình trạng xâm hại di tích; công tác vệ sinh môi trường trong ngoài di tích được đảm bảo; tích cực ngăn chặn những biểu hiện biến tướng, tiêu cực trong hoạt động lễ hội.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đền Sóc
Ông nhấn mạnh, lễ hội đền Sóc hay còn được gọi Hội Gióng ở đền Sóc đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trước việc bảo tồn và phát huy lễ hội Gióng.
Vì thế, để phát huy hơn nữa giá trị và ý nghĩa của di tích và lễ hội, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và Ban quản lý lễ hội cần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của cha ông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Trung ương và Hà Nội đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, tổ chức để lễ hội này ngày càng thấm đẫm yếu tố truyền thống và thu hút du khách trong và ngoài nước.
Cũng theo Bộ trưởng, chính quyền và Ban tổ chức cần thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân và du khách thập phương khi đến đây hiểu được giá trị, ý nghĩa của di tích và lễ hội Gióng đền Sóc.
Có hiểu và thấm nhuần được giá trị và ý nghĩa của lễ hội Gióng thì người dân mới yêu và bảo vệ di sản, theo đó sẽ nâng cao ý thức trong việc tham gia vào các hoạt động của lễ hội một cách văn minh, lịch sự. Ngoài ra cũng cần tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân biết và thực hiện nội quy, quy chế về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Ông lưu ý, tại mỗi một di tích Ban tổ chức cần bố trí từ hai đến ba người đứng trong khu nội tự để tuyên truyền, hướng dẫn người dân không giắt tiền lên tượng thờ, không đặt tiền lên mâm lễ làm ảnh hưởng đến vẻ tôn nghiêm của di tích...
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đến kiểm tra tại di tích đền Và, chùa Mía (Sơn Tây). Tại đây, mặc dù Đoàn công tác không nhận thấy hoạt động mê tín dị đoan trong khu vực nội tự di tích nhưng qua kiểm tra vẫn còn có một số vấn đề mà chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích cần phải quan tâm khắc phục.
Đó là nhiều hàng quán bán đồ lễ, sách báo đã lấn sát vào khuôn viên di tích. Trong khu vực nội tự đền Và, nhiều kệ sắp lễ bày biện khá tùy tiện khiến cho không gian của di tích trở nên chật chội và mất đi tính tôn nghiêm. Còn có hiện tượng nhiều người giắt hương lên cả cây nến, cây cảnh trong di tích. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong, ngoài di tích chưa được quan tâm.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và Ban tổ chức lễ hội đền Và, chùa Mía cần phải khắc phục sớm những hiện tượng vừa nêu trên, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành nội quy, Quy chế tổ chức lễ hội.
Bộ trưởng và Đoàn công tác kiểm tra tại chùa Mía. Ảnh: Trần Huấn
Làm việc với lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây, Bộ trưởng yêu cầu các cấp chính quyền cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa Công điện của Thủ tướng Chính phủ và cần xử lý nghiêm, kịp thời những biến tướng, tiêu cực trong hoạt động lễ hội, không nên có thái độ “cả nể”, cho qua.
Phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, từ đó nên chọn ra một, hai khâu để làm bước đột phá. Ông đặc biệt lưu ý, các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách khẩn trương, đồng bộ và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục để quản lý tốt lễ hội, đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn tại những biểu hiện biến tướng, tiêu cực.
Lễ hội chùa Hương: Loa, đài công suất lớn của các hộ kinh doanh đã được xử lý triệt để
Sáng 19.2, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Lê Khánh Hải dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại khu di tích, danh thắng chùa Hương (Hà Nội). Theo ghi nhận, năm nay Ban tổ chức đã bố trí, điều hành tốt các thuyền đò chở khách và không để xảy ra tình trạng ùn tắc.
Công tác vệ sinh môi trường dòng suối Yến và dọc tuyến hành hương từ chùa Thiên Trù lên đến động Hương Tích đã được đảm bảo. Hệ thống tăng âm, loa, đài công suất lớn của các hộ kinh doanh đã bị cấm triệt để.
Đặc biệt, năm nay hệ thống truyền thanh thông tin mới được xây dựng từ chùa Thiên Trù đến động Hương Sơn đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền kịp thời đến du khách về lịch sử của khu di tích – danh thắng chùa Hương, nâng cao nhận thức của du khách trong quá trình hành hương.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải và Đoàn công tác kiểm tra tại chùa Hương. Ảnh: T.Đ.D
Tại chùa Thiên Trù và động Hương Tích, tiền “giọt dầu” được để đúng chỗ, tình trạng cúng bái mang tính mê tín dị đoan không thấy xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp dùng tiền lễ xoa tượng, cài tiền vào tượng và các nhũ đá.
Tại buổi làm việc với Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị nhà chùa phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban tổ chức trong công tác tổ chức và quản lí lễ hội, nhất là tuyên truyền đến tăng ni, phật tử gần xa tránh lợi dụng văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức. Báo cáo về hoạt động của lễ hội chùa Hương năm nay với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, qua 14 ngày đầu của lễ hội đã có gần 500.000 lượt du khách.
Lực lượng an ninh túc trực 24/24h tại 18 chốt trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc và ngăn chặn tình trạng móc túi khách. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố, huyện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng phục vụ ăn, uống. Cấm triệt để các cửa hàng dịch vụ dùng tăng âm loa đài, các hoạt động mê tín dị đoan, các trò chơi có tính chất đánh bạc dưới mọi hình thức.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức và quản lí lễ hội chùa Hương năm nay. Ông cũng cho rằng, để có một mùa lễ hội an toàn, tiết kiệm, văn minh, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát, Ban tổ chức cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức du khách trong khi tham gia hành hương.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, Ban tổ chức cần phải triển khai hiệu quả hơn nữa việc thực hiện Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ và khắc phục tối đa tình trạng “chặt chém”, phiền nhiễu du khách trong thời gian tham gia lễ hội. Ông cũng yêu cầu Ban tổ chức và các cơ quan có liên quan cần xây dựng phương án ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra tại những điểm thường xuyên ùn tắc và đông người như cửa động Hương Tích, nhà ga cáp treo... để đảm bảo an toàn cho du khách.
TP.HCM: Cơ quan báo chí không được quảng bá những hoạt động lễ hội có hình thức phản cảm, thương mại hóa
UBND TP.HCM vừa có công văn chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra và xử lý những sai phạm trong việc tổ chức lễ hội trên địa bàn TP.
Theo đó, các đơn vị chức năng sẽ xử lý nghiêm các hoạt động sai phạm trong lễ hội như mê tín dị đoan, đặt hòm công đức phản cảm, đốt vàng mã, tùy tiện nâng cao giá dịch vụ,... Các đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, quy mô của lễ hội. Các cơ quan báo chí của TP không được quảng bá những hoạt động lễ hội có hình thức phản cảm, thương mại hóa. (HOÀNG QUÂN)
Lâm Sơn-Đình Dũng