Công nghệ phân loại rác thải tại Việt Nam
Cập nhật: 11/03/2011
Vừa qua, nhóm cán bộ giảng viên Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường Xây dựng (Viện nghiên cứu Kiến trúc nhiệt đới - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã vận hành thành công công nghệ: “Xử lý phân loại rác thải rắn đô thị bằng công nghệ điều khiển tự động từ xa”. Hiện nay, công nghệ này được thử nghiệm và vận hành thành công tại TP Phủ Lý (Nam Hà) từ tháng 8/2010.
Theo kỹ sư Lại Minh Chức - Giám đốc Trung tâm thì kết quả lớn nhất của công nghệ này là nhóm tác giả đã thành công trong việc thiết kế dây chuyền thiết bị lấy công nghệ cơ khí tự động hóa làm trung tâm kết hợp với công nghệ thông tin kỹ thuật số để điều khiển quá trình phân loại sơ cấp rác thải từ xa (nhờ đó đã thay thế hoàn toàn sức lao động của 80 - 100 công nhân). Quá trình phân loại này rác thải được tách thành 6 nhóm vật chất phù hợp với công nghệ tái chế rác thải hiện nay với chất lượng hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc dây chuyền tách lọc do công nhân phân loại bằng tay. Quá trình phân loại xử lý đều được thực hiện trong không gian kín (phòng kính) nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh gây cháy nổ cho người lao động. Những thiết bị thành phần công nghệ mới này nhỏ gọn và hiệu quả được tích hợp trong một mô đun có diện tích 20m2 (bằng 1,5% so với diện tích dây chuyền tách lọc Seraphin tại Sơn Tây rộng hơn 300m2).
Công nghệ này cho phép giảm từ 50 - 70% thể tích chôn lấp so với các công nghệ hiện có, giảm thời gian phân hủy nhờ đó tăng sản lượng và sớm thu hồi được khí ga, thu hồi mùn hữu cơ sinh học nên giảm thời gian quay vòng hồ chôn lấp hàng chục năm so với công nghệ hiện nay của các Cty môi trường đô thị trên toàn quốc. Đồng thời nếu được áp dụng và nhân rộng công nghệ này nó sẽ góp phần loại bỏ những bãi rác không hợp vệ sinh và chiếm nhiều diện tích, biến rác đã chôn lấp thành mùn hữu cơ sinh học chất lượng cao phục vụ nông nghiệp.