Bảo tồn, phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ

Cập nhật: 23/03/2011
Nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo tồn, phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND huyện Cần Giờ phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện phải đảm bảo gắn với việc quy hoạch phân khu chức năng Khu dự trữ sinh quyển, bảo vệ cảnh quan và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời tiến hành tổng kết việc phát động nhân dân, du khách trong huyện Cần Giờ, đặc biệt tại khu dự trữ sinh quyển không sử dụng túi nylon để nhân rộng điển hình cho các khu du lịch sinh thái và cho cả thành phố.

Thành phố yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng rừng; thực hiện trồng rừng ven biển, sông, rạch; thực hiện tốt công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã…Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cần Giờ, các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các sở, ngành liên quan thực hiện đánh giá các kết quả nghiên cứu về biện pháp lâm sinh và đề xuất kế hoạch tác động lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ; khẩn trương triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ…

Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh có kế hoạch triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến việc bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; nghiên cứu kết quả khảo cổ học tại rừng ngập mặn Cần Giờ, hoàn thành nội dung bộ hồ sơ hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để tập trung bảo tồn và trùng tu Khu di tích Căn cứ kháng chiến Rừng Sác, các di tích, di chỉ khảo cổ tiêu biểu…/.

 

Nguồn: TTXVN