Bảo vệ môi trường làng nghề: Phát triển theo hướng bền vững

Cập nhật: 07/04/2011
Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Các làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đây là nội dung chính trong ngày làm việc thứ hai tại tỉnh Thừa Thiên Huế của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6/4 thông qua khảo sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc và làng nghề huyện Hương Trà.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang, cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là duy trì bản sắc làng nghề, hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng. Mặt khác, cần bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.

Qua khảo sát thực tế của Đoàn tại làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc, Đoàn giám sát nhận thấy, bộ mặt của làng nghề đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Sau khi thực hiện Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, TP đã tổ chức phổ biến cho các hộ dân làng nghề hiểu biết và tiến hành cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh như; không đốt lò bằng cao su và dầu phế thải; xây dựng hệ thống lắng lọc và hố tạm lắng nước thải, khí thải khi đưa ra môi trường; hợp đồng với Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom rác hàng ngày. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang đánh giá, việc hạn chế chất đốt lò bằng cao su giảm thiểu ô nhiễm, làng nghề có 1 trong 21 nghệ nhân nổi tiếng, sức khỏe người dân được nâng cao, đây là điều đáng mừng và ghi nhận.

 

Sau khi khảo sát tại làng đúc đồng, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND huyện Hương Trà về bảo vệ môi trường tại cụm gạch nung thôn Thủy Tứ (Hương Vinh); cụm lò ngói thôn Nam Thanh, làng nghề sản xuất bún thôn Vân Cù (Hương Toàn).

Báo cáo với Đoàn, ông Nguyễn Viết Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua kiểm tra, khảo sát hiện nay các lò gạch tại thôn Thủy Tứ chỉ còn lại 13/34 lò đang hoạt động, trong đó, có 4 lò đứng hoạt động theo công nghệ mới. Tất cả các lò gạch thủ công hiện nay đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu phục vụ công trình dân sinh của địa phương. Đối với làng bún thôn Vân Cù, bình quân mỗi hộ sản xuất từ 100 - 150 kg bún/ngày, mỗi hộ còn nuôi thêm từ 10 – 20 con lợn.

Do đặc điểm ngành nghề sản xuất mang tính tập trung và nằm trong khu vực dân cư, công nghệ sản xuất thủ công, do đó, trong quá trình sản xuất đã kéo theo các chất thải, khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Vang cho rằng, UBND huyện cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các vấn đề bất cập, chồng chéo, tránh tình trạng lúng túng trong việc xử lý ô nhiễm như hiện nay. Đồng thời, đề nghị UBND huyện cần đổi mới cơ chế, chính sách, táo bạo sáng tạo mới trong việc quy hoạch các làng nghề.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh, xử lý ô nhiễm lò gạch là vấn đề phức tạp do đó, UBND huyện phải quan tâm đến các Nghị định của Chính phủ; vấn đề xã hội hóa; quy hoạch; công khai các dự án để người dân có sự lựa chọn phù hợp.

Chiều nay, Đoàn Giám sát tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để tổng kết lại các vấn đề sau 2 ngày giám sát.

 

Nguồn: Monre