“Yếu tố sống còn của du lịch là qui hoạch”

Cập nhật: 18/04/2011
Nhân Năm Du lịch quốc gia 2011 được tổ chức tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ do tỉnh Phú Yên chủ trì tổ chức khai mạc vào ngày 1/4/2011, Báo Du lịch đã có cuộc trao đổi ngắn với GS.TS Trịnh Quang Phú, Viện trưởng Viện NCPT Phương Đông (TP.HCM) về việc phát triển du lịch tại khu vực này.

PV: Nhận xét của ông về việc phát triển du lịch ở khu vực Nam Trung bộ nói chung và Phú Yên nói riêng?

GS.TS Trịnh Quang Phú: Theo cảm nhận chung của tôi: Nếu nói rộng ra từ Quảng Nam đến Bình Thuận là 6 tỉnh, thì Bình Thuận và Khánh Hòa phát triển, Quảng Nam có Hội An nổi tiếng. Tuy nhiên, cả 3 nơi này đều rơi vào phát triển theo kiểu tự phát, nghĩa là nhà đầu tư xin đầu tư ở đâu thì cho ở đó chứ không theo một qui hoạch du lịch có tầm nhìn lâu dài. Chính do vậy nên bị chen lấn nhau, và dẫn đến khó khăn về môi trường, dẫn đến manh mún mà Mũi Né là điển hình. Bất cập này sẽ đánh mất thế bền vững và cũng không thể cạnh tranh quốc tế lâu dài.

Cả 6 tỉnh miền Trung, du lịch vẫn chưa gọi là phát triển thành một ngành công nghiệp dịch vụ, mới phát triển ở một số địa phương như Nha Trang, Hội An, Phan Thiết. Nhiều nơi vẫn còn hoang sơ, các “nàng tiên” vẫn chưa được đánh thức.

PV: Vậy, theo ông ngành Du lịch khu vực này nên phát triển theo hướng nào?

GS.TS Trịnh Quang Phú: Dưới góc độ của một người nghiên cứu kinh tế, tôi xin đưa ra một số ý kiến như sau:

Trước nhất, theo tôi phải xác định cho được vị thế của du lịch, thực sự xem nó là ngành công nghiệp không khói, là “con gà đẻ trứng vàng”. Nó phải có vị trí ngang bằng với việc phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển cơ sở du lịch, khu sinh thái, khách sạn, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch, thắng cảnh, đương nhiên phải phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, hải sản và các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, lưu niệm v.v… Như vậy du lịch sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển, trong đó có việc phát triển dân trí, và văn hóa… Phát triển du lịch dịch vụ còn có nghĩa là xuất khẩu tại chỗ. Khi du lịch được xác định đúng thì Nhà nước chỉ đạo và xây dựng hạ tầng, nhất là sân bay, bến cảng, đường sá và di tích cấp quốc gia… còn lại thì kêu gọi đầu tư.

Thứ 2, là phải có qui hoạch du lịch. Qui hoạch chi tiết cho cả khu vực, cho cả tỉnh - qui hoạch tầm quốc tế và tầm phải 30 - 50 năm. Có qui hoạch tốt thì nhà đầu tư yên tâm, cạnh tranh lành mạnh, hợp tác cùng nhau phát triển. Không có qui hoạch cụ thể thì các công ty du lịch sẽ triệt tiêu nhau, sẽ chen lấn nhau và phát triển manh mún. Tôi cho rằng yếu tố sống còn của du lịch là qui hoạch, kể cả qui hoạch vùng phục vụ du lịch.

Thứ 3, là quảng bá kêu gọi đầu tư. Với Phú Yên và Duyên hải Nam Trung bộ tôi cho rằng du lịch sinh thái là bước đột phá có hiệu quả cao và có tầm quốc tế. Ví dụ như khu du lịch Hòn Ngọc của Vinpearland (Nha Trang), khu du lịch sinh thái Sao Việt (Phú Yên) ngoài việc xây dựng một khu du lịch đẹp, trong lành còn có ý nghĩa qua việc phục hồi đồi núi, đảo hoang sỏi đá thành đảo có cây xanh, có hoa cỏ mượt mà, môi trường tinh khiết.

Nhìn các nước quanh ta biển họ không đẹp hơn ta, cát không trắng, nước không trong bằng, phong cảnh thiên nhiên cũng chưa chắc bằng ta, nhưng họ có những khu du lịch sinh thái tuyệt vời như Bali (Indonesia), Langkawi (Malaysia), Koh Samui, Hua Hin, Phu-két (Thái Lan). Mỗi năm Thái Lan có 15 triệu khách du lịch. Đảo Bali chỉ có 3 triệu dân, mỗi năm đón 5 triệu khách du lịch. Đảo Langkawi (Malaysia) chưa đến 100.000 dân và diện tích chỉ 47.000ha nhưng có sân bay quốc tế với đường băng 3810m và có các khu resort spa nổi tiếng mỗi năm đón 4 triệu lượt khách du lịch. Việt Nam ta cả nước mỗi năm chỉ đón có 5 triệu khách và mỗi khách chỉ thu được 1.200 USD là quá ít ỏi. Nếu phát triển tốt vùng du lịch biển miền Trung với các khu du lịch sinh thái cao cấp, các điểm tham quan hấp dẫn và các dịch vụ đạt chuẩn cộng với đất nước yên bình, ổn định chính trị, chắc chắn chúng ta sẽ có 10 - 15 triệu khách du lịch và nguồn thu ngoại tệ sẽ là 15 - 20 tỷ USD mỗi năm. Tôi tin tưởng ở sự phát triển này nếu chúng ta làm căn cơ, bài bản và có cơ chế chính sách phát triển du lịch đồng bộ.

Quốc Bảo (Thực hiện)

 

Nguồn: Báo Du lịch