Bảo vệ rừng nhìn từ nước Pháp

Cập nhật: 21/04/2011
Ở Pháp, gần 3/4 diện tích rừng do tư nhân quản lý, còn Nhà nước chỉ quản lý khoảng 10%. Theo tính toán của các chuyên gia, thì cứ 2 giây, lại có một khoảng rừng tương đương diện tích một sân bóng đá bị tàn phá. Mỗi năm diện tích rừng bị phá tương đương với diện tích của nước Áo (80.000 km2). Chính sự cấp bách phải bảo vệ tài nguyên rừng đã khiến Liên Hợp Quốc lấy năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng.

Tuỳ vào đặc thù, mỗi quốc gia trên thế giới có cách bảo vệ rừng riêng và tham gia nỗ lực chung của nhân loại.

Đến thủ đô Paris nước Pháp, thành phố cổ kính nhưng cũng là một trong những thành phố năng động hàng đầu thế giới, khách du lịch nước ngoài không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm nhìn những cánh rừng ngay sát thành phố.

Hai cánh rừng Vincennes (995 ha, phía Đông Paris) và Boulogne (846 ha, phía Tây Paris) nằm ở hai bên sườn giống như hai lá phổi xanh nuôi dưỡng thành phố tất bật ngày đêm.

Đi xa hơn trên đất Pháp, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng những lâu đài ẩn lấp bên trong những cánh rừng rộng lớn mà xưa kia được các vua chúa sử dụng làm nơi săn bắn.

Rừng tại Pháp được sử dụng vào mục đích giải trí

Hiện nay, theo thống kê của cơ quan chức năng Pháp, diện tích che phủ rừng tại Pháp là 161.000 km², tương đương với 29,2 % diện tích lãnh thổ. Với diện tích này, Pháp đứng vị trí thứ 4 ở châu Âu và chiếm 10% diện tích rừng của châu lục.

Theo chuyên gia về rừng nguyên sinh Emmanuelle Grundmann, rừng của Pháp có những đặc trưng riêng. Từ thời Trung Cổ, người ta đã khai thác rừng. Các khu rừng ở Pháp hiện nay chỉ được sử dụng để khai thác lấy gỗ và sử dụng cho các mục đích giải trí. Chính vì thế, vấn đề được đặt ra tại Pháp là mở rộng diện tích rừng bằng việc trồng và trồng lại rừng, cũng như khai thác rừng một cách hợp lý.

Ở Pháp, có tới gần 3/4 diện tích rừng do tư nhân quản lý, còn diện tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước chỉ khoảng 10%.

Do Luật dân sự có từ thời Napoleon cho phép sử dụng rừng làm tài sản thừa kế, nên số lượng người sở hữu rừng ở Pháp khá đông: 3,5 triệu người sở hữu đất rừng với diện tích trung bình 2,6 ha và 2,6 triệu người sở hữu rừng có diện tích rừng dưới 1 ha. 

Mặc dù được phân chia sở hữu, nhưng với nhận thức rừng cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như sắt hay dầu lửa nên từ năm 1963, Pháp đã thành lập các Trung tâm khu vực về tài nguyên rừng (CRPF) nhằm cố vấn kỹ thuật và pháp lý cho người sở hữu rừng.

Các trung tâm này có nhiệm vụ đảm bảo các chủ sở hữu rừng phải báo cáo và thực hiện những việc họ làm ở khu vực rừng trong thời hạn xác định từ 10- 20 năm, đúng theo quy định của Nhà nước.

Đối với các khu rừng do Nhà nước hoặc các địa phương quản lý, việc khai thác và bảo vệ cũng rất chặt chẽ. Ngay tại thủ đô Paris, nơi có giá nhà đất đắt đỏ hàng đầu châu Âu (trung bình 7600 euro/m2), các dự án bất động sản hầu như không được đụng chạm vào hai khu rừng Vincennes và Boulogne.

Năm 2003, dưới thời của thị trưởng Paris Bertrand Delanoe, thành phố đã phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng một bản Hiến chương về sử dụng và quản lý bền vững rừng Boulogne, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc giảm thiểu gánh nặng của xe cộ đi qua rừng cũng như quản lý minh bạch những hoạt động không thường xuyên diễn ra ở khu rừng này.

Ở Pháp, các tổ chức phi chính phủ như: Quỹ Thiên nhiên Thế giới ở Pháp (WWF France) đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ rừng.

Năm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 và là năm quan trọng khi Liên Hợp Quốc lấy làm Năm Quốc tế về rừng, WWF France phát động chiến dịch lớn có tên gọi “Rừng sống động” (Forêts vivantes).

Ông Jean Bakouma, người phụ trách chương trình cho biết: “Chúng tôi muốn tăng cường nhận thức của người dân, để họ cùng nhau nỗ lực bảo vệ rừng. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là đưa tỷ lệ phá rừng trên thế giới trở về mức 0% vào năm 2020”.

Với nhiều giải pháp khác nhau, các thành viên của tổ chức WWF France hy vọng mục tiêu sẽ trở thành hiện thực./.

Quang Hưng

 

Nguồn: VOV