“Chương trình trồng rừng ngập mặn và phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng” đã được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam triển khai từ năm 1994. Tính đến nay, nó đã khẳng tính được tính bền vững và hiệu quả khả quan, đáng khích lệ.
17 năm triển khai, rừng ngập mặn đã chứng minh được vai trò cải thiện sinh kế tại địa phương và giúp giảm biến đổi khí hậu, được xem là "bức tường xanh" chắn sóng, chắn xâm lấn của biển bền vững. Đây cũng chính là tiền đề để tiếp tục triển khai chương trình trong giai đoạn 2011-2015 hiện nay với sự tài trợ của Hội CTĐ Nhật Bản.
Theo đó, việc thực hiện chương trình ở giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào trồng rừng ngập mặn ven biển gắn với trồng rừng phòng hộ ở các khu vực ven biển và đầu nguồn; nâng cao khả năng tự phòng ngừa và ứng phó thảm họa của cộng đồng trên cơ sở nâng cao kiến thức kỹ năng về ứng phó thảm họa, đầu tư các công trình bảo vệ thảm họa theo đề xuất của cộng đồng hưởng lợi; nâng cao năng lực của hệ thống Hội CTĐ Việt Nam từ Trung ương xuống cơ sở; nâng cao đời sống của người dân gắn với xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững; thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân, Hội CTĐ Việt Nam – Hiệp hội CTĐ quốc tế và Nhật Bản.
Những ngày đầu…
Nhận thức được việc phá hủy rừng ngập mặn ngày càng nghiêm trọng gây ra nhiều hậu quả trong suốt những thập kỷ trước, tỉnh Hội CTĐ Thái Bình đã đề xuất đảo ngược khuynh hướng và trồng lại các hệ sinh thái vùng bãi triều vào năm 1993. Hội CTĐ Đan Mạch đã ghi nhận ý tưởng và hỗ trợ chương trình trồng rừng tại Thái Bình từ năm 1994 trở đi. Sau những khó khăn ban đầu, chương trình đã thu được kết quả đáng khích lệ và đến năm 1997, chương trình đã mở rộng thêm tại 7 tỉnh duyên hải nữa. Hội CTĐ Nhật Bản (JRC) sau đó đã tài trợ cho các hoạt động tại 6 tỉnh thông qua Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (Hiệp hội). Từ đầu những năm 2000, trọng tâm của chương trình được mở rộng, có những hoạt động tập huấn về phòng ngừa thảm họa và trồng tre, phi lao tại các xã ven sông. Năm 2005, Hội CTĐ Đan Mạch kết thúc tài trợ chương trình và từ đó đến nay Hội CTĐ Nhật Bản là đơn vị tài trợ cho các hoạt động trên cả 8 tỉnh.
Tổng cộng, chương trình đã chi 8,88 triệu USD và với nguồn hỗ trợ này, đã trồng được 9.462 ha rừng (trong đó 8.961 ha rừng ngập mặn) tại 166 xã – khoảng 100km đê do đó đã được bảo vệ. Rừng ngập mặn do Hội CTĐ Việt Nam trồng chiếm trên 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại tại Việt Nam, và chiếm khoảng 1/4 diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình. Ngoài trồng rừng, chương trình cũng đã tổ chức tập huấn được cho hơn 300.000 học sinh, giáo viên, tình nguyện viên và các phường xã về phòng ngừa thảm họa. Có khoảng 350.000 người hưởng lợi trực tiếp, và số người hưởng lợi gián tiếp từ việc bảo vệ tốt hơn của rừng ngập mặn và các loại cây khác ước tính khoảng 2 triệu người.
Hiệu suất và hiệu quả mà chương trình mang lại
Thông qua các chuyến thăm và làm việc tại thực địa trên địa bàn 26 xã ở 6 tỉnh trên 8 tỉnh triển khai chương trình, với việc nghiên cứu về tác động và hiệu suất, có thể thấy rằng chương trình đã tạo ra tác động đáng kể đến giảm thiểu rủi ro thảm họa, đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng. So sánh mức độ thiệt hại do những trận lụt bão tương tự gây ra trước kia và sau khi triển khai chương trình cho thấy những thiệt hại về đê điều đã được giảm được từ 80.000 USD đến 295.000 USD tại các xã nghiên cứu – khoản tiết kiệm này còn thấp hơn các chi phí dành cho hoạt động trồng rừng ngập mặn. Tuy nhiên, khoản tiết kiệm do tránh được các rủi ro còn có vai trò quan trọng hơn nhiều – với những khoản tiết kiệm được lên tới 15 triệu USD tại các xã, chỉ tính riêng trong một số trường hợp nghiên cứu, giá trị từ tác động bảo vệ cũng đã cao hơn các chi phí của toàn bộ chương trình..
Rừng ngập mặn cũng đã giúp tăng thu nhập từ việc thu lượm thủy hải sản (ví dụ như tôm, cua, sò, ngao, hàu) lên 209 – 789% - tăng thêm thu nhập cho cộng đồng ven biển, đặc biệt đối với những hộ nghèo. 60% người trả lời phỏng vấn ở các xã trồng rừng ngập mặn cho rằng thu nhập tăng lên là do tác động tích cực của chương trình mang lại và có những dấu hiệu rõ ràng rằng chương trình đã giúp người dân thoát nghèo (tuy nhiên không thể đưa ra được một kết quả chắc chắn). Trồng tre cũng đã góp phần làm tăng thu nhập, tuy nhiên, tác động tổng thể khá nhỏ vì mỗi hộ trồng rừng chỉ được giao một lượng nhỏ. .
Với phân tích về tính hiệu suất thông qua phương pháp phân tích chi phí – lợi ích, người ta cũng dễ dàng nhận thấy, chi phí cho trồng mỗi ha rừng ở vào khoảng 843 USD, tính cả các chi phí bảo vệ của Chính phủ thì tổng chi phí rơi vào khoảng 950 USD. Giả thuyết rằng các thảm họa lớn có thể xảy ra hàng năm, tính đến tổng các rủi ro tránh được đến năm 2025 thì với việc phủ xanh rừng ngập mặn, rủi ro tránh được lên tới 37 triệu USD ở mỗi xã và hiệu quả bảo vệ của chương trình đến đây đã vượt hơn tổng chi phí ở mỗi xã nghiên cứu. Tài sản nằm ở khoảng giữa rừng ngập mặn và đê (các đầm tôm, thuyền) đặc biệt cũng được hưởng lợi.
Hiệu quả trực tiếp về mặt kinh tế (ví dụ như từ thu lượm thủy hải sản, nuôi ong lấy mật) cũng đóng vai trò quan trọng, mặc dù hiệu quả nhỏ hơn nhiều so với hiệu quả bảo vệ. Hiệu quả trực tiếp về mặt kinh tế ở vào khoảng từ 344.000 USD đến 6,7 triệu USD tại các xã nghiên cứu.
Đến nay, hiệu quả lớn nhất được nhận ra có liên quan đến giá trị carbon của rừng ngập mặn. Ngoại suy từ những nghiên cứu được thực hiện trong nước về lượng carbon tích tụ lại và khả năng hấp thụ CO2, báo cáo cũng nêu ra rằng đến năm 2025, rừng ngập mặn do Hội CTĐ Việt Nam trồng sẽ hấp thụ được ít nhất 16,3 triệu tấn CO2. Giả sử giá của 1 tấn khí thải CO2 là 20 USD và áp dụng mức thâm hụt là 7,23%, nó cho kết quả là 218,81 triệu USD.
Thực tế cũng cho thấy, tái trồng rừng ngập mặn cực kỳ hiệu quả: thậm chí nếu chỉ tính đến một trong ba hiệu quả (bảo vệ/ kinh tế trực tiếp/ sinh thái) thì tỉ lệ lợi ích – chi phí cũng vẫn khả quan tại các xã nghiên cứu. Báo cáo đưa ra hai tỉ lệ về lợi ích – chi phí: Tỉ lệ 1 không tính đến lợi ích về sinh thái, con số này rơi vào khoảng từ 3- 68 tại các xã nghiên cứu. Tính đến lợi ích về sinh thái – chưa được cụ thể hóa – tỉ lệ 2 cho giá trị ở vào khoảng từ 28 đến 104.
Về tính bền vững, có thể nói việc bảo vệ rừng ngập mặn và cam kết chính thức của Chính phủ Việt Nam cũng như quyền tự chủ cao của địa phương là những nhân tố quan trọng cho một triển vọng khả quan. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số những thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài. Hai thông điệp cơ bản là: một, cây ngập mặn, tre và phi lao không thể được xem là tồn tại mãi mãi nhưng cần có những hoạt động mang tính dài hạn về công tác bảo vệ, lập kế hoạch trong tương lai và về nhận thức. Hai là, việc thiếu một chiến lược rút lui hiện nay cũng đang đe dọa tới tính bền vững của một số thành tựu, đặc biệt khi các tỉnh Hội CTĐ phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để triển khai các hoạt động.
Sau khi đưa ra giá trị lớn từ rừng ngập mặn, Hội CTĐ Việt Nam sẽ được tư vấn về cách chăm sóc rừng mang lại hiệu quả tốt hơn nữa. Nguồn hỗ trợ tiềm năng thông qua Cơ chế Phát triển sạch hay thông qua cơ chế trao đổi các bon tự nguyện cũng nên được tính tới để đảm bảo sự bảo vệ trong tương lai, khả năng mở rộng nếu có và để giảm sự phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ bên ngoài về mặt tài chính của các Hội CTĐ tỉnh. Chính phủ Việt Nam có thể cũng sẽ xem xét lại các chương trình trồng rừng ngập mặn của chính phủ và nâng cấp hệ thống đê để có thể sử dụng thậm chí tốt hơn nguồn vốn chính phủ.
Trong khi trồng rừng ngập mặn vừa hiệu quả và mang lại những lợi ích về mặt kinh tế, cũng cần phải lưu ý rằng, không nên tập trung chiến lược về quản lý rủi ro thảm họa vào việc trồng rừng bởi rừng ngập mặn không giúp giảm thiểu được các yếu tố rủi ro khác và cũng không nên cho rằng quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và việc mở rộng vùng dự án là dễ dàng từ việc giả định những kết quả thu được ở miền Bắc có thể áp dụng được ở các địa phương khác. Triển khai chương trình trồng rừng ngập mặn thành công cũng cần đòi hỏi sự kiên trì, các điều kiện thuận lợi, tính tự chủ cao và các yêu cầu khác.
Để tiếp tục duy trì hiệu quả bền vững của chương trình
Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà hệ thống rừng ngập mặn đem lại. Qua việc triển khai chương trình, Hội CTĐ Việt Nam đã đúc rút được rằng, để tiếp tục duy trì tính hiệu quả bền vững cần:
Thứ nhất, giữ mối quan hệ thân thiện, thường xuyên liên tục, có trách nhiệm và tranh thủ sự ủng hộ từ phía các nhà tài trợ. Thống nhất ý chí, quan điểm hành động từ trên xuống dưới trong công tác chỉ đạo và triển khai thực tiễn.
Thứ hai, công tác nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án là yếu tố căn bản quyết định đến kết quả hoạt động của dự án. Địa phương nào quan tâm đến việc bố trí đúng, đủ cán bộ có trình độ và năng lực đảm nhiệm thì kết quả của dự asnd dáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Thứ ba, xây dựng củng cố tổ chức Hội, nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ Hội nhất là cấp cơ sở. Chú trọng công tác động viên cán bộ, hội viên, các hộ trồng rừng tích cực chủ động trồng, bảo vệ rừng, đề xuất các phương thức khai thác nguồn lợi từ rừng để lấy rừng nuôi rừng.
Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của rừng ngập mặn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức: đa dạng, phong phú trong mọi tầng lớp nhân dân và các cấp lãnh đạo ở địa phương. Việc tổ chức lễ ra quân trồng rừng ngập mặn, tổ chức Hội thi, Hội trại tìm hiểu về lợi ích của rừng ngập mặn trong học sinh, bà con nông dân, trong cộng đồng nói chung là những hoạt động tuyên truyền có hiệu quả và thiết thực nhất. Hình thức giao lưu giữa các đoàn của CTĐ Nhật Bản và các nước bạn đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng ngập mặn, phòng ngừa thảm họa như: Triều Tiên, Inđônêxia, Srilanka… có ảnh hưởng tốt đến Hội CTĐ Việt Nam.
Thứ năm, đề cao công tác giám sát, kiểm tra cho các hoạt động của dự án để một mặt kịp thời điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của dự án, mặt khác nhanh chóng giải quyết các khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện./.