Đến với Mũi Cà Mau để biết "sống trong sợ hãi"

Cập nhật: 22/04/2011
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau giá trị hơn nhiều nơi khác nhờ có rừng ngập mặn tự nhiên đa dạng về mặt sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử đồng thời còn là một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009.

Tuy cảnh quan đẹp, có giá trị như vậy và vẫn được ca ngợi là điểm du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu khoa học đầy tiềm năng phát triển nhưng có đến nơi tận cùng cực Nam của tổ quốc này và trải nghiệm mới hay ở đó vẫn còn nhiều “nỗi sợ” đang rình rập du khách.

Coi du khách như "miếng mồi"

Đang còn ngơ ngác khi vừa đặt chân đến bến Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau) để đợi tàu cao tốc ra Đất Mũi thì những người dân địa phương đã thi nhau “cảnh báo” chị Nhung, anh Hải, du khách đến từ Hà Nội rằng hãy cẩn thận với giá dịch vụ “cắt cổ” ở Đất Mũi, rằng “người dân ở đó sẽ không nương tay khi biết anh chị là khách du lịch đâu, tốt nhất là hãy mua đồ ăn ngay từ đây.”

Lần đầu đến Đất Mũi với mong muốn được chạm tay vào điểm tận cùng phía Nam của hình chữ S, những du khách ấy không ngờ rằng họ sẽ là “miếng mồi” ngon cho người dân bản xứ “chặt chém.”

Do bắt quen được với một cán bộ của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trên chuyến tàu cao tốc cuối cùng về Đất Mũi nên gia đình anh Hải được giới thiệu thuê phòng ngủ tại khu nhà khách của Vườn quốc gia này. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những người bạn mới vừa hôm trước được gia đình anh cho rằng “nhiệt tình, tốt bụng, cởi mở” thì ngay hôm sau đã làm khách phương xa phải nghi ngờ chính khả năng nhìn nhận, đánh giá con người của mình.

“Họ có nhã ý đưa chúng tôi đi tham quan Vườn quốc gia Cà Mau và bờ biển Đông-Tây bằng chiếc canô nhỏ. Tất nhiên, chúng tôi tế nhị xin phép lo chi phí xăng nhớt. Nhưng quả là không thể ngờ, chỉ với hơn một tiếng đồng hồ, họ… ý tứ đề nghị hết 1,270 triệu đồng,” anh Hải vẫn chưa hết thảng thốt kể lại.

Không chỉ vậy, với chặng đường 3,5 km từ nhà khách tới cột mốc tọa độ Cà Mau đội quân “nghiệp đoàn xe Honda khách xã Đất Mũi” còn nhẹ nhàng “chém” gia đình anh Hải 100 nghìn mỗi người. Đó là chưa kể bữa hải sản bị đội giá lên gấp 3-4 lần bình thường mà chị Nhung phải cắn răng chi trả.

Cùng nỗi bức xúc như gia đình chị Nhung, hai anh em chị Quỳnh đến từ Hải Phòng ấm ức: “Đúng là kinh hãi, tôi thề không bao giờ quay lại Đất Mũi nữa. Ai đời, đã cố tình vào hàng cơm bụi ăn cho rẻ vì nghe lời đồng nghiệp cảnh báo trước dịch vụ ở đây 'chặt chém' lắm, thế mà khi tính tiền tôi vẫn phải trả 200 nghìn đồng cho hai đĩa cơm lèo tèo!”

Nỗi bất an khi đến cực Nam

Khi mang những bức xúc trên hỏi những người dân không kinh doanh dịch vụ sinh sống ở Đất Mũi, thậm chí cả cán bộ du lịch của Vườn quốc gia Cà Mau, hầu hết đều cho rằng: “Cũng đúng thôi, vì họ phải tranh thủ, chẳng mấy khi gặp được khách du lịch mà.”

Với lối tư duy cứ thấy người lạ là tranh thủ tận thu như thế liệu những người dân nơi địa đầu tổ quốc có thể làm du lịch và du khách liệu có thể an tâm khi đến đây?!

Không chỉ đeo đẳng nỗi sợ dịch vụ chặt chém mà để ra tới Vườn quốc gia Cà Mau, nơi có cột mốc cuối cùng cực Nam du khách còn phải đối mặt với nỗi lo an toàn giao thông đường thủy. Là bởi, phương tiện duy nhất ra đó chỉ có những con tàu cao tốc chạy phăng phăng trên sông nước nhưng cũng lạng lách, đánh võng chẳng kém gì những tay đua xe đường bộ.

Lạ một điều, trên tàu đầy đủ phao cứu sinh còn mới toanh nhưng tất thảy đều được… gói ghém kỹ càng trong túi nilon rồi lại một lần nữa được buộc rất cẩn thận lên trần. Hẳn chủ tàu đã có phần quá tự tin vào tài nghệ cũng như khả năng kiểm soát an toàn của mình mà quên đi nỗi sợ của không ít hành khách - những “người của đất liền,” quên đi rằng mọi tình huống bất ngờ có thể giăng bẫy phía trước.

Và, trong khi con tàu đang ầm ầm rẽ nước với vận tốc trên 80 km/h thì anh “lơ” dường như cậy con nhà sông nước, thản nhiên leo lên nóc tàu từ cửa sổ thoát hiểm và ung dung ngồi trên đó mặc cho nhiều du khách vốn chỉ quen sống trên cạn sợ phát khiếp!

“Trước khi được trải nghiệm cảm giác tự hào lâng lâng được đứng ở cột mốc của cực Nam đất nước thì chúng tôi đã phải trải nghiệm cả những nỗi sợ về dịch vụ nơi này. Nếu trước đây, tôi vẫn nghĩ bản chất của người dân miền sông nước là chất phác, phóng khoáng, hòa nhã thì bây giờ mới hiểu câu ‘trông vậy mà không phải vậy’ thực là đúng trong hoàn cảnh này,” chị Quỳnh thất vọng nói./.

ChiLê

 

Nguồn: TTXVN