Hồ Ba Bể có thể biến mất sau vài chục năm

Cập nhật: 29/04/2011
Việc nước rửa quặng chưa qua xử lý được thải thẳng ra các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các chuyên gia cảnh báo hồ Ba Bể có thể sẽ biến mất trong vài chục năm nữa.

Chiều 27/4/2011, hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi tọa đàm trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp và có thể biến mất của hồ nước này. Người dân thuộc khu vực hồ Ba Bể đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu về việc từ năm 2008, một công ty khoáng sản đã tiến hành khai thác mỏ sắt, nước rửa quặng đổ thẳng xuống các sông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trước thực trạng trên, tuần qua đoàn khảo sát gồm nhà thơ Dương Thuấn - câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể cùng giáo sư Phạm Vĩnh Cư, giáo sư Chu Hảo và giáo sư Đặng Hùng Võ đã đến tận địa phương tìm hiểu thực tế sự việc. "Sau khi tìm hiểu và thu thập các chứng cứu, dữ liệu, chúng tôi thấy hồ Ba Bể đang chết dần", nhà thơ Dương Thuấn nói.

Ông Thuấn cho biết thêm, theo quan sát của đoàn, các mỏ khai thác quặng đã chặn khe suốt rồi hút nước ngược lên để rửa quặng khiến dân thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng. Nước rửa quặng sau đó đổ thẳng xuống các sông, suối dẫn vào hồ Ba Bể. Khi mưa xuống, nước cuốn theo cả chất thải và đất cát do đào quặng chảy xuống hồ, khiến cho lúa không thể phát triển được và năng suất suy giảm.

Không những vậy, việc vận chuyển quặng hàng ngày với mật độ nhiều xe trọng tải lớn đi qua đã nhiều lần làm vỡ ống dẫn nước chung cho dân, gây thiếu nước sinh hoạt.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ&Môi trường, cho rằng, nếu tiếp tục chặt cây, khai thác như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn hồ Ba Bể. “Tôi trở lại hồ Ba Bể với cảm xúc đau buồn chưa bao giờ thấy. Nếu tiếp tục chặt cây, khai thác bừa bãi như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn viên ngọc quý này nữa", giáo sư Hảo ngậm ngùi.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận: "Nếu chúng ta lên đến nơi vào thời điểm này, chỉ cần một người tử tế thôi, cũng sẽ thấy đau xót. Muốn giàu thì phải đánh đổi là điều đương nhiên, nhưng phải biết đánh đổi cái gì lấy cái gì, chứ không ai đi lấy cái quý giá nhất ra đánh đổi và ở đây là một sự đánh đổi rất vớ vẩn".

Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, việc khai thác tài nguyên ở đây đang làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng này. “Nếu muốn làm kinh tế, Bắc Kạn có thể làm cách khác, như du lịch hoặc lâm sản, chứ không phải chuyển mình bất chấp sự hủy hoại môi trường".

"Bắc Kạn chấp nhận phát triển bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì có nghĩa là chúng ta đang ăn quỵt môi trường. Chúng ta đánh đổi những cái thiên nhiên ban tặng cho con người để lấy vài đồng thì con cháu chúng ta sẽ phải trả gấp một nghìn lần trong tương lai, trả một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều”, ông nhấn mạnh thêm.

Hội những người yêu Ba Bể đang chuẩn bị hồ sơ về trình lên thủ tướng, đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác như hiện nay.

Vườn quốc gia Ba Bể có tổng diện tích 10.048 ha thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hệ thống thủy văn vườn quốc gia Ba Bể gồm 4 con sông, suối chính nối với hồ Ba Bể. Năm 1995, hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Hương Thu

 

Nguồn: vnexpress.net