Phát triển làng nghề gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương cũng như bảo vệ môi trường sinh thái bền vững là một trong những mục tiêu được huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo thống kê, huyện Điện Bàn có 12 làng nghề truyền thống, trong số những làng nghề này, phải kể đến làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương) rất phát triển được coi là kinh tế mũi nhọn của huyện.
Cùng với sự biến thiên của thời cuộc, sự cạnh tranh khốc liệt của các loại sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, các làng nghề Quảng Nam không tránh khỏi mai một dần. Tuy nhiên, bằng nội lực của chính mình, cùng với sự quan tâm khuyến khích hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc đầu tư nguồn lực, tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Đặc biệt là sự gắn kết giữa văn hóa làng nghề với hoạt động du lịch trong nhiều năm qua, nên nhiều làng nghề ở Quảng Nam nói chung và làng nghề đúc đồng Phước Kiều nói riêng đang có tín hiệu hồi sinh trở lại.
Làng đúc đồng Phước Kiều phát triển mạnh, sản phẩm của làng nghề không những đơn thuần là cung cấp nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, mà làng nghề còn thu hút được nhiều khách du lịch, tăng doanh thu hàng năm cho tỉnh Quảng Nam. Tuy vậy, tăng sản lượng sản xuất cũng làm lượng chất thải tăng lên rất nhiều bởi lẽ sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, các thiết bị hỗ trợ sản xuất quá lạc hậu, nhiên liệu dùng cho sản xuất chủ yếu là than và dầu FO... khí thải không xử lý xả trực tiếp ra môi truờng gây ô nhiễm. Kết quả quan trắc tại một số cơ sở cho thấy, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép 2 lần, CO2 vượt giới hạn cho phép 1,47 lần, nhiệt độ và độ ẩm cao hơn giới hạn cho phép. Theo các nghệ nhân, làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều tồn tại 400 năm tuổi sản xuất theo tính tự phát, nhỏ lẻ, đầu tư manh mún do đó, ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi.
Từ chỗ chỉ là những hộ gia đình sản xuất riêng lẻ, đến nay, làng nghề Phước Kiều đã hình thành một Hợp tác xã và các doanh nghiệp tư nhân, quy tụ hầu hết các nghệ nhân trong làng, với hơn 20 lò đúc đêm ngày đỏ lửa, 25 cửa hàng giới thiệu sản phẩm được hình thành dọc Quốc lộ 1A đi qua xã Điện Phương. Hiện nay, huyện đang xây dựng dự án đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, không nấu đồng bằng than như trước đây mà nấu bằng điện nhằm hạn chế những tác động xấu đối với môi trường sinh thái và đảm bảo sức khỏe người lao động. Mô hình này có hệ thống hút bụi khói, có hệ thống xử lý nước thải và khí thải..., nếu thành công sẽ nhân rộng ra cả làng nghề Phước Kiều. UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ ban đầu 250 triệu đồng cho dự án "Phát triển làng nghề đúc đồng Phước Kiều theo hướng du lịch "sạch" còn được hiểu theo hướng văn hóa làng nghề, phải giữ được uy tín và thương hiệu làng nghề, tạo sự đồng thuận để phát triển. Làng nghề sẽ vừa bán sản phẩm làm ra, vừa trình diễn sản xuất để thu hút khách tham quan.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng làng nghề đúc đồng Phước Kiều đang hồi sinh trở lại, lớp thợ trẻ đã gắn bó hơn với nghề... Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ cho khách du lịch và các đầu mối đặt hàng từ Tây Nguyên và một số tỉnh thành cả nước. Doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Làm phép tính nhanh, với 25 cửa hàng ở Phước Kiều, bình quân sản phẩm tiêu thụ tại chỗ đã đạt trên 5 tỷ đồng. Một con số đáng mừng thể hiện sức sống mới của làng nghề.
Xã Điện Phương là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể, ẩm thực... Đây còn là nơi "phát tiết" của nhiều nghệ nhân, chính vì thế, có nhiều mong đợi về một sức sống mới cho làng nghề. Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, hiện tại, huyện đã quy hoạch chi tiết Cụm làng nghề và tiểu thủ công nghiệp Đông Khương với quy mô diện tích 7 hecta nhằm tạo một mô hình sản xuất gắn kết các làng nghề, phát triển thành điểm dừng chân trên con đường di sản. Áp dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề và luôn đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu tạo ra hướng đi mới để phát huy cụm làng nghề.
Phát triển làng nghề theo hướng tạo sản phẩm vừa tiêu dùng, vừa mang dáng dấp văn hóa, bảo vệ môi trường bền vững là cách giúp làng nghề sống được trên địa bàn huyện Điện Bàn.