Gần đây có một số thông tin liên quan đến hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ, trong đó nói đến việc hồ Ba Bể bị bồi lắng “chóng mặt.”
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bắc Kạn đã tìm hiểu xung quanh vấn đề mà các phương tiện truyền thông đã nêu.
Việc hồ Ba Bể bị bồi lắng là có thật, nhưng thời điểm và nguyên nhân bồi lắng cần phải nói cho đúng bản chất của sự việc này.
Nguyên nhân bồi lắng hồ Ba Bể
Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi nghiên cứu về bồi lấp hồ Ba Bể năm 2002, hồ Ba Bể bị bồi lấp qua 3 con sông, suối là sông Chợ Lèng và suối Bó Lù, suối Tà Han từ hàng trăm năm qua đã chảy vào hồ mang theo một lượng phù sa.
Thêm vào đó, trong những năm 1960-1999, tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy ở đầu nguồn nên việc bồi lắng trầm trọng hơn. Điều này phù hợp với đánh giá của giáo sư, tiến sĩ khoa học Mai Đình Nghiên (nhà nghiên cứu cá và hồ nổi tiếng), khi ông cùng một nữ giáo sư người Mỹ nghiên cứu hồ Ba Bể đã phát hiện lớp bùn có tro dưới đáy hồ.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng đây là một thực tế khó tránh bởi theo chính sách định canh định cư, đưa những người dân miền xuôi, lên khai hoang, lập bản cùng với người dân địa phương của Chính phủ vào những năm 60, tiếp đó là những năm chiến tranh, mọi người đều nỗ lực sản xuất nhiều lương thực… việc phát nương làm rẫy ở những cánh rừng xung quanh hồ.
Những năm sau này, nhất là từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Vườn Quốc gia năm 1992, việc quản lý bảo vệ tài nguyên Vườn Quốc gia đã được quan tâm, cải thiện. Từ năm 2003, khi được công nhận là di sản ASEAN, hệ sinh thái rừng và nước của Vườn Quốc gia Ba Bể ngày càng được bảo vệ tốt hơn, trong đó, hệ sinh thái rừng được quản lý, bảo vệ và phục hồi, tốc độ bồi lấp ít hơn do đã chấm dứt cơ bản việc phát nương làm rẫy, rừng được giao cho dân quản lý, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ.
Năm 1995 có trên 1.535ha là nương rẫy, đến nay đã phục hồi 1.415 ha, chỉ còn khoảng 120ha nương rẫy gần các bản làng, nhưng cách xa hồ. Diện tích hồ chưa có sự đo đếm chính xác nhưng trong 10 năm trở lại đây mức độ bồi lắng không nhiều, chủ yếu từ phù xa của các dòng sông, suối đổ vào hồ.
Hồ Ba Bể hiện nay vẫn là hồ nước trong xanh, sạch; nếu có ô nhiễm thì độ ô nhiễm chưa vượt ngưỡng nguy hiểm, vì các loài thuỷ sinh của hồ được bảo tồn và cũng đã phát hiện thêm một số loài mới. Sự ô nhiễm-chủ yếu từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt- nhưng rất ít.
Để khẳng định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm hồ Ba Bể cần có kiểm định bằng khoa học, đầu tư kinh phí để làm việc này mới thực sự chính xác và khách quan. Trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể không được phép, và không ai cấp mỏ trong vùng lõi của Vườn, kể cả đá trắng và kim loại. Mỏ đá trắng ở Quảng Khê nằm ngoài vùng lõi của Vườn. Mỏ Pù Ổ thuộc địa phận huyện Chợ Đồn, ngoài cả vùng đệm của Vườn rất xa.
Ông Nguyễn Văn Đằng, một người dân thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, sống cạnh hồ Ba Bể trên 50 năm, nói: "Từ khi đủ nhận biết, tôi đã thấy cánh đồng trước nhà mình, mà theo nhiều người cao tuổi thì trước đây, đó là một phần của hồ Ba Bể. Những năm sau đó, sự bồi lắng mỗi ngày một nhiều hơn, nhưng rõ nhất là vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi đó người dân đốt nương làm rẫy nhiều lắm, mỗi khi có mưa, nước xối làm đất đá trên núi trôi xuống hồ.
Từ khi nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho dân, và di một phần dân ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia, việc đốt nương làm rẫy bị nghiêm cấm thì hồ ít bị bồi lắng hơn.
Mỏ sắt Pù Ổ không đổ thẳng nước thải ra hồ Ba Bể
Theo quan sát của phóng viên, việc thông tin khai thác quặng sắt tại mỏ Pù Ổ đổ thẳng chất thải ra hồ Ba Bể mà không qua hệ thống xử lý chất thải là hoàn toàn không chính xác.
Qua khảo sát thực tế cùng những người có trách nhiệm của tỉnh Bắc Kạn và một số người dân địa phương nhận thấy, mỏ sắt Pù Ổ có hệ thống xử lý chất thải với 4 hồ chứa, được thiết kế đúng quy định cần thiết của một mỏ khai thác kim loại sắt.
Tại xã Quảng Bạch, là địa phương có mỏ sắt Pù Ổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoàng Văn Hoạt cho biết, phải khẳng định là đơn vị khai thác có tạo bể lắng, họ làm 4 bể, nước rửa quặng được chảy xuống bể lắng 1, tràn qua bể 2, lắng một lần nữa, tràn qua bể 3, lắng tiếp rồi mới tràn qua bể 4. Tại bể 4, nước đã trong và thường dẫn vào mương tưới cho các ruộng lúa không ảnh hưởng gì.
Nhìn nhận từ thực tế, việc khai thác có ảnh hưởng môi trường, do bóc đất mặt, khi gặp mưa, nước đục chảy vào một số diện tích lúa của người dân, cũng chảy cả ra khe Khuổi Giang. Vấn đề này chính quyền địa phương cùng với đơn vị thi công đã tính toán diện tích bị đất quặng tràn vào để đền bù theo sự thoả thuận giữa người dân và công ty. Hiện vẫn còn một số diện tích bị ảnh hưởng, vẫn gieo cấy được nhưng có thể năng suất không cao, khi thu hoạch sẽ có so sánh để bồi thường cho người dân.
Ông Triệu Văn Chấp, Phó Trưởng thôn Bản Duồm, người đã làm đơn khiếu nại về việc khai thác làm ảnh hưởng đến sản xuất cho khoảng 2.000m2 ruộng của nhà ông và một số gia đình thuộc thôn Bản Duồn cũng nói, ông chỉ yêu cầu xem xét giải quyết ảnh hưởng sản xuất, tìm nguồn nước sạch phục vụ cho sản xuất chứ không nói gì về bồi lắng hồ Ba Bể.
Ông Ma Văn Chính, Trưởng thôn Bản Duồm nói: "Tôi không tin việc khai thác mỏ Pù Ổ lấp hồ Ba Bể, có thể có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể, vì dòng chảy của khe Khuổi Giang vào suối Bản Duồn, qua hang Bác Chản, ra suối Nam Cường rồi mới vào hồ Ba Bể, một quãng đường dài hơn 30km."
Được hỏi ở thôn Bản Duồn của ông có ai ký vào đơn “kêu cứu” cho hồ Ba Bể không? Ông Chính lắc đầu: "Tôi chỉ nghe nói có ông Hứa Văn Thúc, có ký vào một đơn do một người ở Hà Nội đưa lên?! Không biết đơn viết gì."
Có 2 người phụ nữ là bà Ma Thị Tỵ và Ma Thị Ương, người thôn Bản Duồm, xã Quảng Bạch nói, họ cũng được một người đàn ông đưa đến một lá đơn bảo ký vào để được bồi thường vì ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất của họ. Họ đã ký mà không được đọc đơn…
Trao đổi với phóng viên TTXVN về việc nhiều người dân ở xã Quảng Bạch, Đồng Lạc gửi đơn thư đề nghị giúp đỡ việc bảo vệ hồ Ba Bể, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh không nhận được bất cứ đơn thư nào.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có công văn (số 879/UBND ngày 22/4/2011) gửi cho Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội, muốn được cung cấp đơn thư của các hộ dân để có căn cứ giao cho các ngành chức năng xác minh, tham mưu giải quyết các yêu cầu của nhân dân…Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa nhận được sự phúc đáp của Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội, ông Du cho biết thêm.
Hồ Ba Bể là di sản quốc gia, di sản ASEAN và hy vọng một ngày không xa sẽ được công nhận là di sản thế giới. Gàn đây, bằng nỗ lực của mình, Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công ước Ramsar công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thiết nghĩ, việc bảo vệ, gìn giữ di sản này là mong muốn của tất cả mọi người và nó cần được bảo vệ bằng chính cái tâm sáng trong mỗi con người./.
Nguyễn Trình