Hội An - hình mẫu lý tưởng trong bảo tồn và khai thác di sản cho phát triển du lịch

Cập nhật: 20/05/2011
Từ một thị xã nhỏ bé không có tiếng vang trong lịch sử hiện đại, Hội An được cả thế giới quan tâm sau sự kiện khu phố cổ Hội An được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Từ khi được ghi danh, du lịch ở Hội An như được tiếp thêm luồng sinh khí mới.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Du lịch TP.Hội An, năm 2010, ngành du lịch - dịch vụ chiếm hơn 70% tổng GDP của thành phố. Tổng lượng khách tham quan Hội An từ năm 2006-2010 đạt gần 3,5 triệu lượt người, tốc độ tăng bình quân 11,02%/năm. Riêng trong quý 1/2011 đã có 376.000 lượt khách du lịch tới Hội An, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2010.

Để thu hút ngày càng đông du khách, Hội An đã và đang tập trung khai thác loại hình du lịch di sản văn hóa, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ở đây, mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi con đường đều gắn với du lịch. Vẻ đẹp của hệ thống kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc gỗ (nhà gỗ, cầu gỗ), nếp phố, góc phố với những căn nhà phố lô xô đã và đang làm say lòng hàng triệu du khách cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, kiến trúc.

Với điều kiện địa lý nằm gọn trên bờ bắc Cửa Đại, nơi cuối nguồn đổ ra biển của sông Thu Bồn - một điểm đến hấp dẫn trên con đường du lịch di sản miền Trung nên Hội An có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Khách du lịch đến Hội An mê tít cái đặc trưng sinh thái của vùng đất hợp lưu này: Xen giữa các kênh, lạch chằng chịt là rừng dừa nước, những làng quê, phố thị khá yên ả; Cù Lao Chàm - khu dự trữ sinh quyển thế giới với các hệ sinh thái điển hình là hệ sinh thái biển với các loài tôm, cá, thân mềm, rạn san hô, chim biển; rừng ngập mặn Cẩm Thanhvới địa danh quen thuộc rừng dừa Bảy Mẫu, một cấu thành của khu dự trữ sinh quyển thế giới đã và đang được định hướng phát triển thành làng quê sinh thái đặc thù nhằm gìn giữ và khai thác bền vững các giá trị tự nhiên vốn có; Cẩm Kim với làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng đã tạo nên sức hấp dẫn và động lực phát triển cho du lịch vùng đất này.

Người dân đô thị cổ còn phát huy một cách hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian để phục vụ du khách… Hơn thế nữa, cho đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn là môi trường sinh sống của hàng chục ngàn người, mang ý nghĩa như một bảo tàng sống về kiến trúc, về quy hoạch đô thị, về lối sống đô thị. Nếp sống giản dị, hiếu khách, thuần hậu, nếp ẩm thực truyền thống, dân dã níu giữ con người bằng các hương vị quê hương như: Cao lầu, hoành thánh, mỳ Quảng, bắp nếp, hến trộn, bánh đập, bánh ít, bánh tráng... Tất cả những điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn của Hội An, góp phần bảo tồn tốt những giá trị vật thể và phi vật thể sinh ra từ trong quá khứ, lớn lên và phát triển trong hiện tại. Cũng bởi vậy, Hội An được coi như một hình mẫu lý tưởng trong việc bảo tồn và khai thác di sản cho phát triển du lịch.

Xuất phát từ nền tảng văn hóa tự nhiên, cùng với xu thế phát triển của du lịch thế giới với dòng khách du lịch hướng về khám phá các nền văn hóa, khám phá thiên nhiên sinh thái, nên mục tiêu phát triển du lịch Hội An thời gian tới hướng đến trở thành một điểm đến chất lượng cao, bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, Hội An nói riêng và du lịch Quảng Nam nói chung tiếp tục phát triển trên cơ sở bảo tồn, làm giàu tài nguyên văn hóa môi trường của địa phương và khu vực. Phát triển du lịch phải đóng góp vào việc bảo tồn di sản và các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa, lịch sử và môi trường. Đồng thời phải có kiểm soát chống sự xói mòn, xuống cấp của tài nguyên văn hóa, lịch sử, tài nguyên tự nhiên.Hơn thế, phát triển phải nhằm nâng cao lợi ích cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng./.

 

Nguồn: VEN