Thời gian gần đây, việc hàng loạt các dự án du lịch đã được triển khai hoặc đang bị “treo” tại các bãi biển miền Trung đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sinh kế của người dân.
Khu Du lịch DIANA ở Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế triển khai từ năm 2007, nay mới chỉ xây được nhà bảo vệ. Ảnh: Báo nông thôn ngày nay
Theo loạt bài từ báo Nông thôn ngày nay, tại các tỉnh Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa… cơn “sốt” ảo dự án đang nóng lên.
Tại Huế, dự án xây dựng khu resort ven biển Phú Thuận tuy mới giải phóng mặt bằng nhưng có nguy cơ khiến hơn 500 hộ dân phải bỏ nghề đánh cá, đất canh tác bị thu hồi.
Theo thống kê của Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này hiện có hơn 80 dự án đầu tư vào du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết đều đang “treo” vô thời hạn. Từ 2006 đến nay, chỉ có 8 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Trong 22 dự án ven biển Đà Nẵng, có 2 dự án “treo” hàng chục năm. Trong đó, Dự án Vegas Beach Club Resort thuộc Tập đoàn Magnum Investment (Mỹ) rộng 12ha cạnh núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã được “sang tay” 3 lần cho các chủ đầu tư du lịch, nhưng vẫn chưa ra hình hài. Riêng tại khu vực vịnh Đà Nẵng, để thực hiện dự án thì 180 ha vịnh Đà Nẵng phải san lấp.
Tại Quảng Nam, ven biển Điện Bàn và Hội An, rừng thông ngút ngàn xưa kia từ khi có các dự án du lịch ồ ạt đầu tư nay đang dần dần bị ủi trọc, làng xóm phơi mình trước biển bởi nhiều dự án mọc lên.
Trên địa bàn Đà Nẵng nhiều ha rừng thông, phi lao vốn được coi là lá chắn trong những ngày mưa bão nay cũng biến mất, tạo điều kiện cho sóng biển xâm thực ăn sâu vào đất liền.
Để tránh các dự án “đầu voi đuôi chuột”, gây thiệt hại cho môi trường, sinh kế của người dân thiết nghĩ các ngành chức năng địa phương cần sớm kiểm tra và giám sát việc phê duyệt và triển khai dự án.