Du lịch làng nghề: Rất cần "bà đỡ" để phát triển

Cập nhật: 24/05/2011
Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề rất lớn, nhiều địa phương cũng nhận thấy lợi ích khi phát triển làng nghề kết hợp du lịch, nhưng việc khai thác hiện nay quá hạn chế. Các địa phương vẫn loay hoay tìm cách phát triển du lịch làng nghề, dân làng nghề làm du lịch theo kiểu tự phát, còn khách du lịch vẫn tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Chính vì thế, làng nghề đang cần một "bà đỡ" để làm bệ phóng phát triển về du lịch.

Dân loay hoay tự làm du lịch

Theo Bộ NN&PTNT, Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu... là những tỉnh có nhiều làng nghề. Trong đó, Hà Nội đã có gần 600 làng nghề với khoảng 200 làng được công nhận làng nghề truyền thống.

Nhưng ngay đến Hà Nội, cũng có làng chỉ treo cái biển: ”Điểm du lịch làng nghề” lên, mặc mưa nắng làm hoen rỉ mà chẳng có mấy khách đến, kể cả những làng nghề đã được chọn làm điểm đến như: mây tre đan Phú Vinh, thêu ren Quất Động, tạc tượng Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông...

Các làng nghề phần lớn ở các vùng nông thôn, giao thông không thuận tiện, cảnh quan môi trường ngày càng xuống cấp, dịch vụ tại các điểm tham quan chất lượng kém... nên vẫn chưa thu hút nhiều du khách, nhiều nơi rơi vào tình trạng đìu hiu ngoài sức tưởng tượng.

Tại nhiều điểm du lịch làng nghề trong cả nước, người dân không có kỹ năng, kinh nghiệm làm du lịch nên phải tự loay hoay tìm đường phát triển. Khách tự tìm đến hoặc người dân tự đón tiếp, có thế nào đón thế ấy chứ không có tour, tuyến gì, cũng chẳng được hướng dẫn phải đón khách thế nào.

Các làng nghề mặc dù tạo ra được các sản phẩm độc đáo nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu và sự níu giữ cần thiết đối với du khách. Người dân vẫn theo thói quen, làm nghề là chính chứ chưa biết làm du lịch.

Cũng chưa có một cơ chế rõ ràng nào để chia sẻ lợi nhuận giữa các hãng lữ hành với người dân làng nghề. Các tour đến làng nghề đã hiếm lại nghèo nàn, ít sáng tạo. Vì thế, tiềm năng du lịch làng nghề đến giờ vẫn đang ở dạng... tiềm ẩn.

"Bà đỡ" cho du lịch làng nghề

Bộ NN&PTNT vẫn giữ quan điểm phát triển các làng nghề giúp cho ngành Du lịch quảng bá, giới thiệu các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Nhờ đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được khách du lịch quan tâm và tiêu thụ nhiều hơn, góp phần tăng thu ngoại tệ thông qua bán hàng tại chỗ, thúc đẩy nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến phát triển.

Thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề trong cả nước và từng địa phương. Hỗ trợ các làng nghề khôi phục, phát triển các nghề truyền thống, hoạt động văn hoá dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hoá. Cải thiện cơ sở hạ tầng kết hợp bảo vệ môi trường du lịch sinh thái.

Theo đó, trên cơ sở 16 tour du lịch làng nghề đã có: Bát Tràng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Mộc (Kim Bồng), Gốm (Đồng Nai), tour làng nghề Hà Tây (Hà Nội), Bến Tre... sẽ được xây mới và nâng cấp.

Việc khảo sát, xây dựng phát triển làng nghề gắn với các tuyến du lịch, trong đó tập trung tổ chức quảng bá về các làng nghề, sản phẩm làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tuyến du lịch; lựa chọn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho chính đội ngũ thợ thủ công trong các làng nghề; tổ chức các tuyến du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn, du lịch nông nghiệp và các tuyến du lịch khác... sẽ được triển khai sớm.

Ở các làng nghề, Bộ NN&PTNT, Bộ VHTTDL, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, xúc tiến thương mại, chính sách đối với nghệ nhân, vay vốn ưu đãi, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo mẫu sản phẩm; phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại làng nghề, tổ chức các khu vực tập trung các cửa hàng bán sản phẩm của làng nghề; hỗ trợ hình thành các xưởng, khu sản xuất đủ điều kiện làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho du khách trong và ngoài nước đến làng nghề.

Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch ngành nghề nông thôn của cả nước và từng địa phương, sẽ phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch tại Sa Pa (Lào Cai), Ba Bể (Bắc Kạn), Yên Tử, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cổ Loa (Hà Nội), Đồ Sơn (Hải Phòng), Chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Kim Liên (Nghệ An), Phong Nha (Quảng Bình), Thuận An (Thừa Thiên - Huế), Hội An và Mỹ Sơn (Quảng Nam), Phan Thiết- Mũi Né (Bình Thuận), Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Củ Chi (TP.HCM), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Thới Sơn (Tiền Giang), Núi Sam (An Giang), Chùa Hang- Mũi Nai, Phú Quốc (Kiên Giang)…

Nguyễn Anh

 

Nguồn: Báo Văn hóa