TP.Hồ Chí Minh: Triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015

Cập nhật: 27/05/2011
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015.

Chương trình nhằm tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại; khắc phục những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên…, nhất là khu vực trung tâm thành phố; xây dựng thành phố xanh, sạch, có môi trường sống tốt; phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng...

Mục tiêu

Phấn đấu đến năm 2015, TP.HCM có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về môi trường; có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định; có 100% KCN, KCX, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; có 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm khu vực ngoại thành; giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất; 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông - vận tải; có 100% người dân thành phố được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Lĩnh vực quản lý chất thải rắn: Lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam 100% tổng lượng chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế, nước thải công nghiệp và y tế, trong đó có phân loại, tái chế và sử dụng; xử lý chất thải rắn làm compost 40%, phân loại tái chế 10%, đốt phát điện 10%, chôn lấp hợp vệ sinh 40% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Giải pháp

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tổ chức quán triệt sâu rộng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Phối hợp các ngành tiếp tục triển khai các Chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường, tổ chức thường xuyên các phong trào bảo vệ môi trường. Xây dựng "Khu phố không rác" tại các khu đô thị mới, khu dân cư; thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Đặc biệt, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phê phán các hành vi gây mất vệ sinh môi trường, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; khích lệ, động viên các doanh nghiệp tiêu biểu trong bảo vệ môi trường. Tổ chức biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường; phát sóng định kỳ các chuyên trang, phim tài liệu, phóng sự chuyên đề về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, thực thi đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị, các chương trình hành động của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, các chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và của thành phố. Hoàn thành, triển khai một cách cơ bản và đồng bộ 6 quy hoạch ngành: Quy hoạch định hướng quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị; quy hoạch quản lý chất thải y tế; quy hoạch quản lý chất thải công nghiệp và nguy hại; quy hoạch quản lý bùn thải và nghĩa trang; quy hoạch tổng hợp quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

Nghiên cứu, xây dựng các dự án tổng thể tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các Vùng phía Bắc, Vùng phía Tây, Vùng Đông - Nam, Vùng Đông - Bắc và Vùng phía Nam thành phố theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước lên 70 - 80% trên các tuyến đường và đồng bộ với hệ thống thu gom của các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các lưu vực theo thứ tự ưu tiên gồm: Tham Lương - Bến Cát, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn và các lưu vực còn lại.

Thứ ba, tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế; xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, bố trí kinh phí để tập trung đầu tư cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng vành đai cây xanh cách ly các khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi; tiếp tục triển khai Khu liên hợp xử lý chất thải Tân Thành, huyện Thủ Thừa tỉnh Long An; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thành phố và quận huyện. 

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức đầu tư đối với các dự án thành phần về đường nội bộ, cấp thoát nước, chiếu sáng, năng lượng, xây dựng khu tái chế chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại… cho các khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi và Đa Phước Bình Chánh và các khu liên hợp khác. Tiếp tục triển khai các dự án xã hội hóa về xử lý rác, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại nhằm đảm bảo xử lý an toàn, ổn định chất thải trên địa bàn thành phố; triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phân loại rác tại nguồn đang thí điểm tại 6 quận, huyện (quận 1, 4, 5, 6, 10, huyện Củ Chi), chậm nhất cuối năm 2013 triển khai đại trà trên toàn địa bàn thành phố.

Tập trung thực hiện tốt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong đó tập trung ngăn ngừa, giảm thiểu và cải thiện môi trường nước sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận thành phố. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực về bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực hợp tác về biến đổi khí hậu.

Thứ tư, thực hiện phủ kín trên địa bàn thành phố mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, nguồn nước sông và kênh rạch, đảm bảo yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến chất lượng không khí, nguồn nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường. Nâng cấp, xây dựng mới hệ thống quan trắc, giám sát ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm; xây mới hệ thống quan trắc tại các bãi chôn lấp; xây dựng Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Thứ năm, tăng cường năng lực, bổ sung sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội để vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.Tăng cường số lượng đào tạo cán bộ về tài nguyên môi trường theo Chương trình 500 tiến sỹ, thạc sỹ, kể cả phối hợp với các viện, trường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu về công tác bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kiểm tra giám sát về lĩnh vực quản lý môi trường, quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, bùn hầm cầu phù hợp mỹ quan đô thị.

Thứ sáu, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác vùng và quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện và bảo vệ môi trường: Phối hợp với các địa phương trong Vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trực tiếp ra các sông trong vùng từ hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên toàn khu vực; phối hợp tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải nguy hại của cả khu vực. Xây dựng danh mục các dự án hợp tác bảo vệ môi trường và cảnh quan các sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các dự án về môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ, các chương trình hợp tác trong khu vực; kêu gọi, vận động sự hợp tác, tài trợ của các tổ chức quốc tế để thu hút nguồn lực tài chính, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

 

Nguồn: monre.gov.vn