Công ty có đội ngũ hướng dẫn viên và dịch vụ văn phòng được đào tạo chuyên nghiệp; hệ thống tổ chức hoạt động liên hoàn, phối hợp các lĩnh vực: Vận chuyển - Lữ hành - Khách sạn - Nhà hàng có chất lượng tốt, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Năm 2009, công ty được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong kích cầu du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Năm 2010, công ty được tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận doanh nghiệp du lịch xuất sắc; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá và xếp hạng một rong năm doanh nghiệp trên cả nước có tour du lịch xanh bền vững nhất Việt Nam, tour của công ty trở thành tour hình mẫu làm kinh tế du lịch ở Sa Pa. Hiện tại GST đã có mặt khắp 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng theo chương trình "Du lịch về cội nguồn", trong đó có tour đi Lào Cai - Hà Giang và Lào Cai - Lai Châu mới mở đã thu hút du khách.
Thông qua tour du lịch đi bộ đến với các bản làng (trekking) thưởng ngoạn phong cảnh và trải nghiệm tại địa phương, GST đưa khách tới nhiều nơi, ở đó có các gia đình làm dịch vụ du lịch tại nhà (homestay) với chỗ ăn, chỗ nghỉ phục vụ du khách. GST hợp đồng trước với những điểm phục vụ đó và mỗi khi đưa khách tới là gia đình phục vụ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tích lũy làm giàu.
Hiện nay, nhiều điểm du lịch như Tả Van Giáy, Cát Cát, Bản Hồ, Tả Phìn đều có những ngôi nhà giữ nếp cấu trúc truyền thống dân tộc, nhưng đã có dòng chữ hướng dẫn bằng tiếng Anh như: "Welcome to Ta Van View", "Welcome to Cat Cat", "Welcome to Bản Hồ"... trước cửa nhà treo những bắp ngô và trang trí một số vật dụng nông nghiệp cổ truyền. Cách bài trí này do công ty phối hợp với gia đình trình bày, rất ấn tượng và thu hút khách nước ngoài. Bên đầu nhà, gia chủ làm một ngôi lều vách nứa, mái tranh và bày vài chiếc bàn ăn gỗ, ngồi đó có thể vừa thưởng thức những món ăn được gia chủ chế biến theo cách riêng của người miền núi như: cá suối rán, vịt quay, thịt lợn cắp nách ướp thảo quả sấy… vừa có thể thả tầm mắt quan sát phong cảnh thiên nhiên dãy Hoàng Liên và thung lũng Mường Hoa thơ mộng.
Mùa nào thức nấy, GST khéo léo bố trí đón khách, ví dụ dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam, Nhà hàng Sapa Home phục vụ những món đặc sắc chứa đựng văn hóa Việt như: bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ... mang đậm bản sắc Việt Nam.
Điều này đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt khi ở Sa Pa, nhiều đơn vị khác chỉ chăm lo các món châu Âu hoặc chỉ tập trung vào một số đặc sản vùng cao. Sự khác biệt đã tạo hiệu quả là sau mỗi chuyến du lịch tới Sa Pa, du khách có thể quay lại với thương hiệu đã được ghi vào "bộ nhớ" và cảm thấy thú vị, hài lòng với giá trị gói tour mà mình bỏ tiền ra mua; Công ty và hộ gia đình đều thu được hiệu quả kinh tế cũng như uy tín được nâng cao. Đơn vị kinh doanh và người dân dựa vào nhau, hỗ trợ nhau để phát triển, cùng có lợi, đó chính là một trong những cách phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Lục Xuân Thượng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van, nhiều hộ dân trước đây rất nghèo, nay nhờ du lịch mà xây được nhà, mua được xe máy, thậm chí cả ô tô. Đời sống khá lên nhờ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Theo bà Bùi Thị Kim Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Sa Pa nói chung và Lào Cai nói riêng cần phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp làm du lịch xanh bền vững biết giữ gìn môi trường và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Ông Đào Đức Phong, giám đốc công ty trước đây vốn là một người hướng dẫn du lịch, sau nhiều năm vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu xác định hướng đi, ông đã quyết tâm thành lập công ty. Năm 2007, GST đã xác định đầu tư vào du lịch xanh, chỉ sau 1 năm, GST đã trở thành đối tác của 1 trong 10 công ty du lịch lớn nhất của Việt Nam. Công ty có 6 xe ô tô từ 7 chỗ đến 24 chỗ ngồi để phục vụ đưa đón khách, đồng thời liên kết với một số đơn vị để vận chuyển khách bằng tàu hỏa…
Công ty chuyên tổ chức các tour như: du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm đi bộ đường dài; đi xe đạp địa hình; leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. GST còn tổ chức tour đặc thù như slogan "Trải nghiệm cuộc sống địa phương", du khách được đến các điểm du lịch và tham gia vào các hoạt động của người dân địa phương: cày cấy, bắt cá, hái củi, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí để hòa nhập cộng đồng, kết hợp giữa du lịch cộng đồng và du lịch homestay rất ấn tượng với du khách nước ngoài.
Phát triển bền vững là gắn kết quả sản xuất, kinh doanh với các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường, quan tâm đến đời sống của người dân, chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hiện nay, GST có trên 40 nhân viên, mức lương đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng, với doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng/năm, 100% nhân viên được đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.
Mấy năm trở lại đây, GST đã đóng góp bằng tiền và hiện vật trị giá gần 100 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ đồng bào nghèo ở vùng cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc nạn nhân thiên tai lũ lụt. Nhiều năm, GST luôn nộp ngân sách Nhà nước trên dưới 200 triệu đồng/năm. Số khách du lịch đến với công ty đạt trên 4.000 lượt, trong đó 80% là khách nước ngoài và 20% là khách nội địa.
Ông Đào Đức Phong, Giám đốc công ty khẳng định: Những năm tới, công ty sẽ đẩy mạnh thị trường khách nội địa lên tương đương với khách quốc tế, đồng thời sẽ tăng nguồn nhân lực địa phương.
Với những danh hiệu đạt được, GST càng có thêm động lực để tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt động, khẳng định thương hiệu, đóng góp vào sự phát triển của du lịch Sa Pa.
Hương Thu