Xây dựng thương hiệu biển Việt Nam thân thiện với môi trường

Cập nhật: 09/06/2011
“Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường” – đó là chủ đề chính của Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 6/6/2011.

Tham gia diễn đàn có hàng trăm nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh có biển. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011.

Khẳng định thương hiệu biển

Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã nhận định vai trò to lớn của kinh tế biển gắn với khu kinh tế biển. Đây là động lực không chỉ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển, mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đã đến lúc thương hiệu biển Việt Nam phải được nhận diện rõ hơn về mặt tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về giá trị văn hóa, giá trị kinh tế và có sức thu hút, lôi cuốn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. (Ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam)

Nước ta có diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền với 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp…

Trong đó, 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển. Dọc bờ biển nước ta có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có hàng trăm vũng, vịnh nước sâu, kín gió có thể xây dựng cảng, nhất là những cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao với tư cách là các khu hậu cần cho khai thác biển xa. Đây chính là nhân tố chủ lực sẽ làm nên sức mạnh kinh tế của quốc gia trong tương lai.

Theo ước tính, GDP biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển…

Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc,... bước đầu đã phát triển nhưng quy mô còn rất nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước).

Vì vậy, tiến ra biển là xu thế tất yếu của Việt Nam. Bên cạnh đó, chú ý xây dựng thương hiệu biển ở tầm quốc gia, quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh: “Phát triển thương hiệu biển để liên kết tiềm năng, khai thác lợi thế của các vùng biển Việt Nam, các địa phương ven biển, các doanh nghiệp kinh tế và dịch vụ biển, tạo động lực tăng trưởng kinh tế biển của đất nước.

Phát triển thương hiệu biển không chỉ là phương thức thu hút đầu tư, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm biển, hợp tác kinh tế biển mà còn giúp các địa phương tiếp cận với thế giới trong xu thế hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chiến lược biển mà Việt Nam đã đề ra đến năm 2020”.

Cần phát triển bền vững

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định một trong những mục tiêu cơ bản là đưa đất nước trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, trong đó kinh tế biển đạt từ 53- 55% GDP và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với chủ đề “Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường” đã cho thấy những thông điệp quan trọng là phải xây dựng và quảng bá các hoạt động và thành quả kinh tế biển Việt Nam.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu biển phải gắn với thương hiệu quốc gia. Trong thời gian qua, mặc dù đã có những cơ quan chuyên ngành quản lý các tài nguyên biển, đảo đã hình thành một hệ thống pháp luật để quản lý việc khai thác, sử dụng các tài nguyên đó cũng như hoạt động bảo vệ môi trường biển.

Tuy nhiên, các cơ quan nói trên cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ quản lý, điều chỉnh các vấn đề mang tính chuyên ngành là chủ yếu mà chưa có tính tổng hợp, lồng ghép, phối hợp giữa các cơ quan đó với nhau, nên “thương hiệu biển” mới chỉ dừng lại ở hình ảnh và thương hiệu ngành, lĩnh vực.

PGS-TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) nhận định: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, nhưng thực trạng phát triển du lịch biển trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập và tác hại, nhất là tình trạng hủy hoại môi trường.

Do đó, phát triển du lịch “xanh”, mang tính bền vững là mục tiêu mà du lịch biển Việt Nam cần hướng tới, là giải pháp và hướng đi đúng để phát triển du lịch - khẳng định thương hiệu bền vững.

Ông Lương đưa ra dẫn chứng: Nếu như năm 1993, chỉ có khoảng 10% du khách quan tâm đến môi trường tại các điểm du lịch, thì 10 năm sau đã tăng lên 60%. Xu thế du lịch hiện nay cũng vậy, du khách chọn những nơi yên tĩnh, không khí trong lành, cảnh quan hoang sơ và sạch là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng...

Diễn đàn lần này là cơ hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về bề rộng lẫn chiều sâu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; là dịp để quảng bá thành tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế biển đảo của các địa phương và doanh nghiệp cả nước. Đẩy mạnh công tác xây dựng, quảng bá và phát triển bền vững thương hiệu sản vật, sản phẩm và biển đảo Việt Nam, nhất là các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Tàu Costa Clasia đến Hạ Long (ảnh: Thế Phi)

Tàu Seabourn Sojourne cập cảng Cái Lân

Khách du lịch đến với biển Việt Nam ngày một đông

Đoàn xe ô tô chuẩn bị phục vụ khách tàu biển lên bờ tham quan Hạ Long và Hà Nội

 

Nam Phong

 

Nguồn: Báo Văn hóa