Chung tay cứu vườn cò Ngọc Nhị

Cập nhật: 17/06/2011
Cẩm Lĩnh là xã thuộc vùng đồi gò của huyện Ba Vì (Hà Nội), được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng một quần thể động, thực vật vô cùng phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.

Đặc biệt, vườn cò Ngọc Nhị là một tài sản vô cùng quý giá, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, khu vực này vẫn do một gia đình ở xã Cẩm Lĩnh quản lý, khai thác, nên đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cò, vạc hoang dã bị xáo măng

Một ngày đầu tháng 6-2011, chúng tôi trở lại vườn cò Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Con đường liên thôn mấp mô, bụi mù mịt ngày nào, nay được đổ bê tông phẳng lì; hàng rào bảo vệ vườn cò bằng dây thép gai hoen gỉ không còn, thay thế vào đó là lưới thép B40, vườn được mở rộng, khách tham quan du lịch, nghỉ ngơi, ăn uống ngày càng đông hơn.

Qua tấm biển "Khu du lịch sinh thái vườn cò Ngọc Nhị", rồi cánh cổng sắt, chạy thẳng đường bê tông kiên cố là vào tới bãi đỗ xe của khu vườn, rộng thênh thang, chứa được hàng trăm xe ô tô, xe máy. Để "ngụy trang" cho việc kinh doanh ăn uống cò, vạc hoang dã, chủ vườn cò trưng tấm biển khá to, ghi rõ nội qui: "Cấm leo trèo gây động mạnh; cấm lấy trứng, bắt cò; cấm bẻ măng trong rừng" như chỉ bảo du khách cần chú ý, không gây hại đến đàn cò, bảo vệ cây cối, môi trường sinh thái". Thật trớ trêu, chủ vườn cò Ngọc Nhị cũng ký cam kết với Hạt Kiểm lâm Ba Vì: Không kinh doanh, mua bán, vận chuyển, săn bắn, bẫy bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, giết thịt, chế biến thức ăn từ động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên. Thế nhưng, chính bản thân chủ vườn cò lại đang hàng ngày, hàng giờ nướng, rán, xáo măng cả hàng chục, hàng trăm con cò… Trong khuôn viên của vườn cò Ngọc Nhị, chủ vườn đã xây dựng một hệ thống hàng quán, nhà hàng ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi rộng tới vài ngàn mét vuông, gồm nhiều lán tre, dãy nhà lợp ngói phibrô xi măng, có thể phục vụ 400-500 thực khách cùng một lúc.

Chúng tôi được chủ vườn cò đon đả giới thiệu các món đặc sản được chế biến từ con cò, nào là cò nướng, cò quay, cò luộc, rồi cò xáo măng… Mỗi con cò sau khi được vặt lông, quay chín vàng ươm, hay luộc hấp thơm ngậy được bán với giá 60.000 đồng. Ngoài ra, ở đây còn có cả món chim, vạc và nhiều đặc sản núi rừng khác. Dạo quanh một vòng các dãy nhà, lán tre trong vườn cò, chúng tôi thấy mâm nào cũng có ít nhất 1-2 đĩa cò quay hoặc cò luộc, với số lượng 5-10 con cò. Khi tỏ ý muốn mua nhiều để mang về, chúng tôi đã được các nhân viên của nhà hàng tại vườn cò cho biết: "Các anh, chị mua bao nhiêu cũng có… Một trăm, hai trăm, thậm chí năm trăm, một ngàn con cò cũng có ngay". Sao khách đông như vậy mà vẫn còn có hàng bán mang về kia à? Một nhân viên bĩu môi nói: "Hôm nay ăn thua gì, có hôm còn có tới gần 600 khách, nhiều người lên tận đây rồi mà còn phải quay về vì không có chỗ ngồi đấy". Thấy chúng tôi có vẻ vẫn nghi ngờ về số lượng cò có thể đáp ứng, một nữ nhân viên thủng thẳng: "Thiếu gì cò đâu, chỉ cần bẫy một mẻ vào buổi sáng sớm trong vườn là có thể đủ số cò đó rồi". Một nam nhân viên củng cố thêm: "Đó là chưa kể việc "tỉa" bớt cò con trong tổ vào buổi tối”.

Đất chẳng lành, chim nào dám đậu?

Vườn cò Ngọc Nhị được hình thành từ những năm 1970-1971, do gia đình ông Phùng Đoài Học quản lý. Trước đây, vườn này gọi là đồi Đưng, rộng khoảng hơn 3ha, được bao phủ toàn bộ cây cối, bốn mùa xanh tốt, trong đó 2/3 là cây tre, thích hợp cho sự sống của loài cò. Ban đầu chỉ có vài cặp bay đến làm tổ sinh sống, được sự che chở của con người, lại được các nhà khoa học giúp đỡ, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, bảo quản, nên đồi cò mỗi ngày một đông hơn. Từ vài trăm cặp đến hàng ngàn cặp, rồi lên tới hàng vạn con và nở rộ đàn vào những năm 1978-1980. Từ đó, đồi Đưng được người dân nơi đây đặt cho cái tên mới là "Đồi cò Ngọc Nhị", nay là "Vườn cò Ngọc Nhị". Để tạo điều kiện thuận lợi cho đàn cò sinh sống, làm tổ, hằng năm gia đình ông Phùng Đoài Học đều trồng thêm nhiều cây cối, chủ yếu là cây tre và thuê thêm đất nông nghiệp của người dân ở xung quanh vườn, nâng tổng số diện tích của vườn cò Ngọc Nhị lên đến gần 10ha.

Theo các nhà khoa học, vườn cò Ngọc Nhị là ngôi nhà của gần 100 loài chim các loại, trong đó nhiều nhất là các loài làm tổ tập trung khi sinh sản như: cò trắng, cò bợ, cò khoang, cò lửa, cò mốc… và vạc. Vào mùa sinh sản hằng năm (từ tháng 4 đến tháng 9), vườn cò Ngọc Nhị có hàng chục vạn con cò cư trú, đậu kín các cành cây, bay trắng đồng, tạo thành đảo chim khổng lồ. Không những thế, vườn cò Ngọc Nhị còn là một quần thể thực vật vô cùng phong phú, với hơn 96 loài thực vật, trong đó có 45 loài được cò làm tổ. Mỗi năm có tới hàng vạn lượt khách đến tham quan vườn cò, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình ông Học. Tuy nhiên, khách đến tìm hiểu các loại chim hoang dã, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thì ít, mà đến thưởng thức món cò thì nhiều. Hầu hết du khách vào vườn cò là ngồi luôn vào bàn nhậu, ngày ít có 15-20 người, ngày nhiều 300-400 khách, thậm chí có những ngày cuối tuần lên đến 600-700 khách. Mặc dù ông Phùng Thanh Quân, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm Ba Vì cũng như ông Phùng Đoài Học, chủ vườn cò Ngọc Nhị cho rằng, đàn cò vẫn sinh sôi, nảy nở, phát triển và vẫn còn đủ loài cò trong vườn, nhưng theo quan sát của chúng tôi, lượng cò hiện nay ít hơn nhiều so với trước đây. Với tốc độ nướng, quay, xáo, rán… được chủ nhà tổ chức đều đều như hiện nay, không biết vườn cò Ngọc Nhị còn tồn tại đến bao giờ? Liệu đất mất lành… chim cò nào còn dám đậu?

Chính quyền xã, huyện buông lỏng quản lý

Tình trạng sát hại loài chim hoang dã tại vườn cò Ngọc Nhị đã kéo dài hàng chục năm nay, trong khi người dân rất bức xúc, bất bình thì chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm huyện Ba Vì vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, quản lý. Trao đổi với PV BáoHànộimới, ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì thừa nhận có tình trạng giết thịt cò để chế biến các món ăn phục vụ du khách tại vườn cò Ngọc Nhị. Ông Dung cho rằng, lực lượng kiểm lâm Ba Vì đã làm hết sức mình để bảo vệ đàn cò, song vẫn không ngăn cản được, vì không phải lúc nào Hạt Kiểm lâm Ba Vì cũng có người ở đó và khi thấy bóng dáng cán bộ kiểm lâm đến kiểm tra thì họ lại tìm mọi cách đối phó, rất khó khăn cho việc xử lý. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm Ba Vì đều tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng và tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã với chủ vườn cò. Theo ông Phùng Thanh Quân, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm Ba Vì, năm nào Hạt cũng xử lý hành chính việc vi phạm giết mổ động vật hoang dã đối với chủ vườn cò Ngọc Nhị nhưng hình như chỉ làm được "ít nhất: 1 lần". Gần đây nhất, ngày 11-5-2011, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Hạt Kiểm lâm Ba Vì đã tiến hành kiểm tra vườn cò Ngọc Nhị, phát hiện chủ vườn cò đang giết mổ 10 con cò và 5 con vạc. Hạt Kiểm lâm Ba Vì đã thu giữ toàn bộ số cò và xử phạt vi phạm hành chính chủ vườn cò hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý của Hạt Kiểm lâm Ba Vì vẫn chỉ mang tính hình thức và theo lối mòn đã quen "phạt để cho tồn tại".

Việc quản lý Nhà nước về Tài nguyên, môi trường trên địa bàn huyện Ba Vì cũng hết sức lỏng lẻo. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì khẳng định: Toàn bộ số diện tích đất của vườn cò Ngọc Nhị do gia đình ông Học quản lý vẫn chưa có hồ sơ sử dụng đất và cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Học vẫn sử dụng, khai thác tài nguyên trên đất, chưa phải nộp bất kỳ khoản gì. Huyện Ba Vì cũng chưa hề kiểm tra về việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường sinh thái tại đây nói riêng. Đối với diện tích hơn 5ha đất mà chủ vườn mở rộng là do giữa các hộ dân và chủ vườn cò tự ý chuyển đổi cho nhau, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và cũng chưa làm thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Ông Sơn cũng khẳng định rằng, môi trường sinh thái ở đây chưa bị ảnh hưởng gì.

Điều làm cho chúng tôi không khỏi băn khoăn, vườn cò Ngọc Nhị có giá trị như vậy và những biến động về đất đai, tài nguyên môi trường tại đây diễn ra trong suốt thời gian dài như thế, mà chính quyền từ xã Cẩm Lĩnh đến huyện Ba Vì không hề quan tâm, mặc cho một hộ gia đình sở hữu, quản lý, khai thác, "tự tung, tự tác", muốn làm gì thì làm. Được biết, ngay từ những năm 1990, Nhà nước đã có chủ trương quốc hữu hóa, chuyển vườn cò Ngọc Nhị thành khu bảo tồn thiên nhiên, được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường, song chủ trương vẫn chỉ là chủ trương và hơn 20 năm rồi vẫn chưa thực hiện được(?)

Suối Hai, vườn cò Ngọc Nhị, rừng nguyên sinh Bằng Tạ với hồ Đầm Long rộng hơn 100ha sẽ trở thành một quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn nếu được quản lý, khai thác tốt. Đáng buồn là vườn cò Ngọc Nhị - món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng đang bị tận diệt, khai thác vô tổ chức, lãng phí. Có nhiều địa phương "đất lành chim đậu" như Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... đã tổ chức tốt các mô hình quản lý và khai thác các vườn cò, sân chim, vừa thu hút được khách du lịch, vừa góp phần bảo vệ được môi trường, bảo vệ hệ động thực vật. Lẽ đâu Hà Nội đã hết cách để cứu vườn cò?

 

Nguồn: monre.gov.vn