Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên&Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh có kiểm soát trên địa bàn huyện sau khi được UBND TP phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, hướng dẫn UBND các huyện lựa chọn, xác định các điểm xử lý rác thải tập trung của địa phương đảm bảo điều kiện; Quản lý, theo dõi công tác vận hành, duy trì ô bãi chôn lập rác thải hợp về sinh…
UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì tổ chức việc đấu thầu, đặt hàng các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí đầu tư, đơn giá trình TP phê duyệt làm căn cứ để các huyện tổ chức đấu thầu, đặt hàng thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.
Cảnh báo Hà Nội hết chỗ đổ rác vào năm 2012 được đưa ra trong bối cảnh các bãi xử lý chôn lấp quy mô lớn ở Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), v.v…, có nguy cơ đóng cửa vì quỹ đất những khu này cạn kiệt dù đã phải tận dụng nhiều biện pháp như nâng cốt, nhập các ô chôn lấp, đào hố khẩn cấp...
Theo thống kê, lượng chất thải sinh hoạt ở Hà Nội hiện nay tăng trung bình 15%/năm, trong khi việc xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp. Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội cho biết, cách đây năm năm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Hà Nội mới chỉ khoảng 1.500 - 1.600 tấn/ngày-đêm và chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 24.000 - 25.000 tấn/năm. Hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đã tăng gấp ba lần, lên đến 5.000 tấn/ngày-đêm, trong đó 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị.