Mối lo mất an toàn trên tuyến đường thủy Hải Phòng – Cát Bà

Cập nhật: 24/06/2011
Tuy có nhiều cách đi từ nội thành Hải Phòng đến Cát Bà, nhưng hầu hết khách du lịch thích đi tuyến Bến Bính- Cát Bà bằng tàu thủy cao tốc, tuy chi phí cao. Vì nhu cầu cao nên một số doanh nghiệp vận tải cố “lèn khách” làm không ít lần khiến hành khách phải “hoảng hồn”.

Công ty TNHH MTV Đường bộ Hải Phòng đầu tư vốn cải tạo khu vực Bến Bính thành bến tàu khách chạy tuyến Hải Phòng - Cát Bà

(Ảnh: Duy Thính)

Vi phạm từ bến đến tàu

Ngày 18-6, chiếc tàu Mekong của Công ty cổ phần vận tải du lịch Hải Phòng bị lực lượng CSGT thủy bắt quả tang chở tới 200 khách, vượt 40 người so với đăng ký tải chỉ 160 khách. Rất may CSGT thủy có mặt kịp thời, chuyển 40 khách sang phương tiện khác. Theo các cơ quan chức năng, không phải đến bây giờ, những việc như thế này mới xảy ra. Nhiều năm qua, tình trạng xử lý rồi lại tái phạm trở thành “căn bệnh kinh niên”. Nhất là vào những ngày cuối tuần trong mùa hè. Nhiều hướng dẫn viên cho biết, tàu Mekong thường chở quá số người quy định.

Hiện có khá nhiều phương tiện thủy tập trung tại Bến Bính chở khách đi Cát Bà với đủ loại: tàu chậm, tàu cao tốc, song tàu cao tốc được lựa chọn nhiều. Bến phà Bính trước đây được Công ty Đường bộ Hải Phòng cải tạo thành nơi đón trả khách sạch, đẹp và thuận tiện, nhưng cách đó không xa là hình ảnh một bến tàu nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mỗi lần tàu cập vào đón trả khách, khách thường phải đi qua một tàu khác để lên bờ và ngược lại. Thậm chí hành khách phải đi trên những chiếc cầu tạm bợ và pông tông rất nguy hiểm nếu mang vác đồ nặng. Trong tháng 4-2011, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố xử phạt Công ty cổ phần vận tải du lịch Hải Phòng vì thiếu thiết bị an toàn và đình chỉ hoạt động của bến tàu, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Ông Phạm Minh Châu, đội trưởng đội thanh tra giao thông số 2 (Sở Giao thông -Vận tải) cho biết, đoàn kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách hướng dẫn làm thủ tục để cấp phép tạm thời trong quá trình chờ hoàn tất thủ tục. Nhưng gần 2 tháng qua, công ty này vẫn chưa “động đậy”. Còn các doanh nghiệp khác, lực lượng thanh tra giao thông thủy cũng vận động, tuyên truyền và xử lý khi có sai phạm góp phần cho du khách yên tâm đến Cát Bà và ngược lại bằng tàu thủy. Ông Nguyễn Vinh (Công ty cổ phần du lịch Hải Phòng), đơn vị sở hữu tàu cao tốc Sea Queen tuyến Hải Phòng- Cát Bà cho biết, chở quá số người trên tàu thủy là việc hết sức nguy hiểm, do vậy tàu của công ty đăng ký 220 chỗ ngồi, chưa bao giờ vượt quá quy định.

Thiếu hướng dẫn từ các cơ quan chức năng

Trong mùa hè, đi tàu tuyến Hải Phòng- Cát Bà- Hải Phòng đáng sợ nhất là đoạn qua Phù Long đến Hòn Tròn. Đây là khu vực sóng dữ dội nhất nếu có gió nồm Nam. Tại đoạn này, sóng dồn cao khiến những tàu nhỏ trở nên mong manh. Sóng lớn thường tràn qua boong tàu. Những người quen sông nước còn cảm thấy nôn nao, huống hồ khách du lịch lần đầu đi tàu thủy. Nhiều lần hướng dẫn viên trên tàu phải trấn an hành khách để họ yên tâm ổn định chỗ ngồi.

Để tránh sóng đoạn này, có 2 doanh nghiệp đầu tư tàu- xe mở tuyến liên vận Hải Phòng- Đình Vũ- Cái Viềng- Cát Bà là Công ty TNHH vận tải du lịch Cát Bà và công ty TNHH Hoàng Long. Tuy vậy, nhiều khách du lịch vẫn thích đi tàu cao tốc vì có cảm giác mạnh trên sóng. Ông Trần Thanh Hà, giám đốc Công ty TNHH Bảo Long (Hà Nội) cho biết, đáng lẽ các cơ quan chức năng có thông báo theo ngày về cấp sóng để khách du lịch có thể lựa chọn được phương tiện.

Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Dương Anh Điền vừa ký quyết định phát động cuộc vận động xây dựng “văn hóa giao thông gắn với bình yên sông nước” bắt đầu thực hiện từ năm nay. Có thể nói, đây là cuộc vận động cần thiết để thực hiện theo đúng chủ trương bến cảng an toàn, phương tiện an toàn. Cuộc vận động này sẽ có tác động trực tiếp lên tuyến giao thông thủy Hải Phòng- Cát Bà đang cần phải chỉnh đốn lại. Việc vận động các chủ phương tiện thủy chở khách du lịch tuyến Hải Phòng- Cát Bà không chỉ dừng lại ở việc xử phạt nghiêm khắc mà còn phải tuyên truyền về an toàn sông nước. Nếu để xảy ra hậu quả, không những thiệt hại nặng về kinh tế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch Hải Phòng.

Thực hiện văn hóa giao thông cần bắt đầu từ điều nhỏ nhất, đó là hãy tôn trọng hành khách, chở đúng số ghế quy định, tuân thủ Luật Giao thông đường thủy nội địa. Thực hiện được điều này, doanh nghiệp không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn thể hiện nét văn hóa của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập.

 

Nguồn: Báo Hải Phòng