Là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, Phú Thọ có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc và đa dạng. Trong kho tàng di sản văn hóa đó, lễ hội truyền thống chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng đất Tổ.
Lễ hội truyền thống của tỉnh phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung, hình thức và gắn với đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; được tổ chức chủ yếu vào mùa xuân vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính huyền thoại tạo nên sự hấp dẫn với du khách. Các lễ hội được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, ở cả khu vực người Kinh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung đậm đặc nhất là khu vực Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh- đây là khu vực có nhiều di tích và lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng; khu vực dọc sông Đà và vùng đồng bào dân tộc Mường (Thanh Sơn, Thanh Thủy…) là vùng có nhiều di tích và lễ hội tưởng niệm Tản Viên Sơn Thánh…
Để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), UBND tỉnh đã xây dựng dự án “Phục dựng các lễ hội truyền thống tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010” nhằm thúc đẩy và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là để phát triển thương mại – du lịch. Do vậy trong những năm gần đây các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội trên địa bàn đã được các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể: Văn hóa, Công an, Xây dựng, MTTQ, Giáo dục... phối hợp đầu tư, tôn tạo, xây dựng, bảo vệ, khôi phục và phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội lành mạnh của nhân dân. Tính đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì và phục dựng 228 lễ hội. Những lễ hội này đều có nét đặc trưng độc đáo là gắn chặt với cộng đồng dân tộc, thờ cúng các Vua Hùng – tổ tiên của người Việt và các loại hình tín ngưỡng của người Việt cổ mang tính cội nguồn sâu đậm; phản ánh các sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân vùng đất Tổ và của cả dân tộc Việt Nam, do vậy có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ con cháu Lạc Hồng. Có những lễ hội đã trở thành tâm điểm như lễ hội Đền Hùng, hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan... Trong đó lễ hội Đền Hùng được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức trang trọng và thành kính với nhạc lễ, lễ phục và nghi thức ổn định. Phần hội với các hoạt động văn hóa diễn ra lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của các vùng văn hóa tiêu biểu; kết hợp được nội dung truyền thống với văn hóa văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục và thẩm mỹ của nhân dân trong thời đại mới. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, khẳng định ý nghĩa là ngày lễ lớn của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Lễ hội vùng đất Tổ vô cùng phong phú và đặc sắc. Các lễ hội được tổ chức đều có hai phần lễ và hội. Phần lễ đã duy trì và bảo tồn theo nghi thức truyền thống, đó là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của người dân với thần linh, lực lượng siêu nhiên nói chung, thần thành hoàng nói riêng; phản ánh những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống, đảm bảo ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đồng thời phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân (đảm bảo theo sự hướng dẫn của ngành văn hoá). Phần hội là những trò chơi mang tính thượng võ…để mọi người vui chơi tự do, thoải mái không bị ràng buộc bởi nghi lễ tôn giáo, đẳng cấp hay tuổi tác. Nội dung và hình thức tổ chức phần hội của các lễ hội đều đảm bảo tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu giải trí của khách du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất các lễ hội đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, quy hoạch; trình độ tổ chức và quản lý lễ hội tại nhiều địa phương được nâng cao. Những lễ hội lớn và nhiều lễ hội quy mô làng xã được nâng tầm hơn so với trước đây, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Các lễ hội, về cơ bản đã được tổ chức theo đúng qui định của Nhà nước và phát huy được tiềm năng, vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo, sự đóng góp của nhân dân. Điển hình như: Lễ hội rước chúa gái (thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao) là hình thức nguyên sơ của lễ hội Đền Hùng trước cách mạng tháng Tám. Trải qua thời gian, dưới sự tác động của chiến tranh và điều kiện tự nhiên, lễ hội rước chúa gái đã bị mai một, thất truyền. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, từ năm 1992 lễ hội rước chúa gái đã được khôi phục theo đúng nghi lễ dân gian được nhân dân gìn giữ từ lâu đời. Trong ngày rước chúa gái địa phương đã khôi phục lại các trò diễn truyền thống như: Lấy tiếng hú, săn lợn chạy đích, tế sóc và trình voi ngựa, chạy tùng rí, lễ hạ điền, trò bách nghệ khôi hài... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Việc khôi phục lại lễ hội rước chúa gái đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân. Bởi đó là một hình thức tỏ lòng nhớ ơn và tôn vinh bà chúa-người đã có công dạy dân cấy lúa, đắp đê trị vì thủy lợi đem lại cuộc sống no ấm cho họ. Lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh (Phù Ninh) tuy mới được phục dựng (từ năm 2009) nhưng đến nay đã thu hút được đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho "mưa thuận, gió hoà", cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Người dân tham gia lễ hội chọi trâu là để cầu cho mình sức khỏe và sự may mắn trong cuộc sống cũng như trong sản xuất. Lễ hội chọi trâu được khôi phục đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lòng tự hào, tự tôn về nền văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống vùng đất Tổ Vua Hùng; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế của địa phương, đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông) đã được nhiều người, nhiều nơi trong nước biết đến như một lễ hội đặc sắc của Phú Thọ. Hội Phết truyền thống được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công chúa Thiều Hoa- một nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã có công đánh giặc cứu nước, đồng thời khơi dậy tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Cùng với việc trình diễn các trò chơi dân gian của các làng cổ trong vùng như: Tứ dân chi nghiệp, ném cầu giỏ, kéo lửa nấu cơm, giã bánh dày, đánh cờ tướng... thì tâm điểm của hội Phết là lễ rước và cướp Phết. Hàng vạn du khách và nhân dân các xã trong vùng đều tìm về để thắp hương tưởng niệm công chúa Thiều Hoa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và cùng tham gia cướp phết với mong ước giành được nhiều niềm vui, may mắn đầu xuân...
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, tỉnh đã coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tổ chức tốt lễ hội. Đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của các lễ hội, công đức các danh nhân, anh hùng dân tộc, bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ cảnh quan môi trường; thực hiện nếp sống văn minh không chỉ đối với những người tham dự mà với cả những người tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương trong tỉnh đã lồng ghép những vấn đề này vào các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi đó là một trong nhiệm vụ chủ yếu của địa phương.
Thành phố Việt Trì là một trong những địa phương có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đặc sắc, phản ánh rõ nét phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân... thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trong những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, một số lễ hội truyền thống trên địa bàn đã được khôi phục, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương về dự lễ hội Đền Hùng và góp phần tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” như: Hội bơi chải (ở Bạch Hạc); giã bánh dày (ở Mộ Chu Hạ); rước kiệu ở làng Hùng Lô; rước ông Khưu, bà Khưu ở Thanh Đình; hội vật ở Lâu Thượng, lễ tịch điền ở Minh Nông…Các lễ hội được khôi phục đã tạo nên một diện mạo văn hóa đặc trưng của Việt Trì - thành phố lễ hội về cội nguồn dân tộc Việt Nam trong nay mai.
Lễ hội truyền thống có giá trị đặc biệt trong sự cố kết cộng đồng, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau hiểu được công lao của tổ tiên, bày tỏ lòng tri ân công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối đã có công dựng nước, giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc bảo tồn và tổ chức lễ hội truyền thống còn góp phần tích cực trong giao lưu, hòa nhập với các nền văn hóa thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho văn hoá vùng đất Tổ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung đủ sức chống lại sự ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá ngoại lai.