Tổng cục Bảo vệ môi trường vừa có buổi họp với 11 tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai về việc quy họach bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông này đến năm 2015-2020. Theo đó, với hơn 700 tỷ đồng sẽ được sử dụng để quy hoạch bảo vệ sông, tổng cục lấy ý kiến các tỉnh để thực hiện 24 dự án nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Cụ thể, dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình thủy lợi, thủy điện thượng nguồn đến các tỉnh thuộc hạ du; xây dựng quy trình vận hành hệ thống bậc thang thủy điện và thủy lợi phục vụ phát triển bền vững lưu vực sông; đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới quá trình suy thoái đất đai; kiểm soát ô nhiễm đất tại các khu vực chôn lấp chất thải rắn, chất thải nguy hại; đánh giá ảnh hưởng của nước thải công nghiệp, sinh hoạt tới chất lượng nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt, từ đó đề xuất phương án bảo vệ nguồn nước...
Tuy nhiên, xung quanh đề xuất trên vẫn vấp phải nhiều ý kiến bất đồng của các tỉnh thành. Nhiều đại biểu cho rằng, hai vấn đề gốc, mấu chốt là kinh phí đầu tư và nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường vốn đã được kiến nghị từ rất lâu và rất bức xúc tại hầu hết các tỉnh thành lại không được đề cập đến. Hiện vẫn có nhiều lãnh đạo các tỉnh thành chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; chưa áp dụng mức chi 1%/tổng ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, ở những tỉnh đã áp dụng thì mức chi này quá thấp, không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu xử lý chất thải vốn rất cấp bách hiện nay. Đề xuất tăng kinh phí sự nghiệp môi trường lên 2%/tổng thu ngân sách tỉnh thành của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của các tỉnh thành lên Quốc hội vẫn chưa được thông qua.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ phụ trách môi trường quá mỏng, khoảng 1 cán bộ/1 triệu dân, lại thiếu nghiêm trọng trang thiết bị. Do đó, nếu đẩy mạnh đầu tư vào các dự án trên mà không giải quyết tận gốc những cái thiếu này thì dù có đầu tư nhiều tiền, nhưng hiệu quả bảo vệ môi trường vẫn chỉ giậm chân tại chỗ.