Thực hiện Nghị quyết 03/2009/NQ-HĐND về “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010”, công tác bảo vệ môi trường của Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng được nâng cao với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội.
Cụ thể, các cơ quan chức năng của TP đã tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Trong năm 2009, thành phố đã thanh tra, kiểm tra 267 cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, xử lý vi phạm với 230 cơ sở, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở sản xuất, cưỡng chế phá bỏ hơn 400 lò gạch; thanh tra liên ngành đối với 189 đơn vị như bệnh viện, khách sạn, nhà hàng... xử lý vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng. Năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 220 cơ sở trong đó có 100 cơ sở thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng cảnh sát môi trường đã điều tra, xử lý hơn 170 vụ vi phạm về môi trường, xử lý hình sự 20 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ…xử phạt hành chính trên 1tỷ đồng. Riêng 8 cơ sở gây ô nhiễm, theo quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đến nay chỉ còn 1 trường hợp là Bệnh viện Đống Đa chưa có trạm xử lý nước thải do thay đổi địa điểm xây dựng, hiện đơn vị này dự kiến tháng 8 năm nay sẽ khởi công xây dựng tại bệnh viện.
Bên cạnh biện pháp thanh kiểm tra, Thành phố cũng đã quy hoạch các dự án về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời xây dựng các mô hình thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn với tỷ lệ rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn được chôn lấp đạt 60-65%; Hoàn thành xử lý ô nhiễm 7 hồ nội thành và sẽ nhân rộng xử lý 18 hồ đã kè bờ. Cùng với đó, Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cải tạo 45 hồ trên địa bàn theo đề án “Quản lý bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ” và một số nội dung xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch như: Tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác, phế thải xuống sông, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh thu dọn đất và vớt rác toàn tuyến sông từ quận Cầu Giấy đến Hoàng Mai; Phát chế phẩm làm sạch nước cho khoảng 10.000 hộ gia đình của 4 phường sinh sống giáp sông; Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai đề án sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015 và chương trình cải tạo môi trường tại lưu vực sông đến năm 2020 của 4 tỉnh (Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Song song với đó là triển khai các dự án xử lý nước thải y tế có 12 đơn vị thuộc Sở Y tế quản lý.
Trong những năm tiếp theo, Thành phố tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở cố tình vi phạm. Đồng thời, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường với 2 cán bộ chuyên trách trở lên tại mỗi quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng môi trường với nhiều tiêu chí cụ thể như 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày; 100% cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; hơn 80% cơ sở sản xuất hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn…
Tiếp tục thực hiện xây dựng 7 khu xử lý rác thải tập trung tại các huyện Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Chương Mỹ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai các dự án mở rộng khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây) và Nam Sơn (Sóc Sơn); Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến của Đức tại Sóc Sơn; Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Mỹ Đức và một số dự án xã hội hóa khác đang trong giai đoạn lập dự án, làm thủ tục.
Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Môi trường đô thị và chính quyền địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng dự án. Mặt khác, ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện các dự án, chương trình về bảo vệ môi trường, nhất là trong các lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, cải thiện chất lượng nước các sông hồ, thoát nước đô thị…Đồng thời, tập trung triển khai sâu rộng và phong phú các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.