Nằm ngay khu xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, cách trung tâm TP Hải Phòng chừng 5 km về phía Đông Nam, cây đa Tía - 13 gốc là một địa chỉ tham quan du lịch độc đáo của du khách thập phương khi đến thăm nội thành Hải Phòng.
Theo tính toán của chuyên gia Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cây đa 13 gốc này đến nay đã 304 tuổi, bóng cây tỏa mát một vùng rộng lớn. Cây cao 17,6 m nhưng có tới hơn 30 cành to, nhỏ nằm ngang trải rộng trên một diện tích đường kính tới 52 m. Đỡ các cành cây là các rễ phụ trông như các cột chống. Cây có 12 rễ phụ lớn cùng với một gốc chính nên mới có tên gọi là cây đa 13 gốc.
Cây đa 13 gốc không chỉ là một cảnh đẹp độc đáo, lạ mắt mà còn đáp ứng cả nhu cầu hướng vọng tâm linh của khách đến tham quan. Đến đây, quý khách có thể thắp hương lên miếu thờ bên gốc cây để mong may mắn hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Theo lời các cụ cao tuổi khu xóm trại: Cây đa 13 gốc là minh chứng sống chứng kiến bao đổi thay của vùng đất này trong quá trình đô thị hóa. Cây đã gắn bó, thân thuộc với người dân địa phương từ bao đời nay và đã trở thành biểu tượng tâm linh, mang may mắn đến cho mọi người. Ngày rằm, mồng một, dân làng thường ra miếu dưới gốc đa thắp hương, cầu mong may mắn.
Ngày nay, khi tấc đất, tấc vàng và những biến động của kinh tế thị trường, cây đa 13 gốc đã và sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. Vì vậy, bảo tồn và giữ gìn cây đa cũng chính là bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa của địa phương. Ý thức được điều này, người dân xóm Trại và UBND phường Đằng Giang đã lập kế hoạch bảo tồn cụ thể: Lập kế hoạch chăm sóc cây, quy định về việc bảo đảm an ninh, trật tự, nghiêm cấm hoạt động mê tín, dị đoan dưới gốc đa. Ngay cổng vào di tích cây đa 13 gốc là tấm biển có nội dung Ban tổ chức khu di tích yêu cầu nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ cảnh quan khu vực, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Dưới gốc đa được đặt nhiều ghế đá để khách tham quan có thể nghỉ ngơi, hóng mát.
Ông Trần Thắng Lợi - Chủ tịch UBND phường Đằng Giang cho biết: Từ lâu, cây đa 13 gốc trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong tua du lịch văn hóa tâm linh, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một số người dân trong thành phố, đặc biệt vào dịp rằm, mồng 1, Tết… Đây là một trong số ít cây cổ thụ có giá trị văn hóa lịch sử còn sót lại. Hiện nay, cây đang bị sâu bệnh tấn công, nếu không nhanh chóng có biện pháp bảo tồn thì cây đa Tía – 13 gốc cũng chung số phận như cây đa Tân Trào, cây đa Cổ Loa… Để bảo tồn và gìn giữ cây quý này, thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt hơn các nội quy về bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực, lập kế hoạch chăm sóc, giữ gìn sự tăng trưởng cho cây, chấn chỉnh hoạt động tâm linh để tránh sự thái quá vào mê tín, hủ tục… Đồng thời, UBND phường Đằng Giang đang làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận cây đa 13 gốc là cây di sản VN.